Bạn muốn sở hữu một ngôi nhà cho riêng mình nhưng lại không chắc mình có thể mua được hay không? Dưới đây odt.vn sẽ bật mí những yếu tố cần phải cân nhắc trước khi quyết định vay mua nhà.
Thu nhập
Với những ai có ý định mua nhà ngay từ đầu, các chuyên gia tài chính khuyên rằng nên trích 20-30% thu nhập hàng tháng để tiết kiệm. Đây là con số hợp lý vừa giúp bạn có thể để dành một khoản tiền dự định cho tương lai, vừa không bị áp lực trong chi tiêu hàng ngày.
Ví dụ, ở Việt Nam, nếu bạn có thu nhập mỗi tháng 20 triệu thì có thể dành ra 7 triệu để tiết kiệm, sau một năm số tiền tiết kiệm có thể lên tới 84 triệu. Sau 4 năm bạn sẽ có 336 triệu.
Với số tiền này, cộng với vay mượn người thân, bạn bè, và các nguồn thu nhập khác, vay ngân hàng thì bạn có thể mua một căn hộ trả góp có giá 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bạn không nên quên nguyên tắc “2 lần 50”, tức là số tiền vay không quá 50% giá trị căn nhà và số tiền trả góp không quá 50% thu nhập một tháng để không bị áp lực về kinh tế và đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Lãi suất mua nhà
Khi đã có trong tay một số tiền tích cóp đủ, bạn có thể dành thời gian xem xét các gói vay mua nhà của các ngân hàng và lãi suất thực tế phải trả trong thời gian đi vay nợ.
Thông thường, lãi suất được các ngân hàng đưa ra trong 6 – 24 tháng đầu rất hấp dẫn. Nhưng sau thời gian ưu đãi, mức lãi suất thường tăng theo lãi suất thị trường. Việc này thường gây ra áp lực tài chính nếu người đi vay không có sự tính toán kỹ càng.
Cân đối chi tiêu
Khi đang trong thời gian trả góp và lãi ngân hàng khi mua nhà, để không rơi vào hoàn cảnh nợ nần bạn cần phải cân đối chi tiêu. Ngoài ra, việc này cũng rất quan trọng trong thời gian bạn cần phải tích luỹ tiền để mua nhà. Thực hiện sớm điều này sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm soát và đạt hiệu quả trong việc chi tiêu tiết kiệm.
Đầu tiên, bạn cần liệt kê các khoản chi tiêu chi phí sinh hoạt cho gia đình trong một tháng, phân chúng vào khoản chi tiêu thiết yếu và chi tiêu không thiết yếu. Các khoản chi tiêu thiết yếu là những khoản cố định gồm có tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền điện, nước, xăng xe…Những khoản này không thể cắt giảm.
Những khoản chi tiêu không thiết yếu gồm có giải trí, mua sắm, du lịch…Trong thời gian tiết kiệm tiền hoặc phải trả lãi ngân hàng, bạn có thể cắt giảm những khoản không thiết yếu này để đạt được mục tiêu tài chính.
Bạn nên lập thành thói quen ghi chép mỗi ngày và tổng kết vào cuối tuần, cuối tháng để có thể kịp thời điều chỉnh chi tiêu một cách hợp lý hơn.
(Tổng hợp bởi odt.vn)