Giao dịch mua bán bất động sản là loại giao dịch có giá trị lớn. Do đó, người mua và cả người bán cần phải quan tâm tới những quy định pháp lý, giấy tờ quan trọng để thực hiện giao dịch.
1. Người mua cần xem những giấy tờ cần thiết trước khi giao dịch
Giao dịch mua bán chỉ có thể thực hiện, và được công nhận là hợp pháp khi đảm bảo những điều kiện về tính pháp lý dưới đây:
- Có giấy chứng nhận quyền sở hữu với nhà ở, quyền sử dụng đất (sổ đỏ) theo quy định của pháp luật.
- Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Không có tranh chấp về quyền sở hữu.
- Đất còn trong thời hạn sử dụng.
Để đảm bảo giao dịch là hợp pháp và không có rủi ro xảy ra, người mua cần kiềm tra đầy đủ những giấy tờ cần thiết trước khi làm thủ tục mua bán nhà đất. Tuyệt đối không vì tin người, ham giá rẻ mà đầu tư, mua bán một cách vội vàng.
2. Kiểm tra tính pháp lý của bất động sản trước khi giao dịch
Trước khi làm giao dịch mua bán bất động sản, người mua cần kiểm tra tính pháp lý của bất động sản một cách cẩn thận. Cụ thể, kiểm tra tình trạng của bất động sản, sổ hồng/sổ đỏ, quy hoạch tại UBND xã/ phường nơi có bất động sản hoặc phòng tài nguyên môi trường của quận/huyện nơi có bất động sản. Bạn cũng có thể hỏi những người dân xung quanh để hiểu rõ hơn về ngôi nhà bạn định mua.
3. Ba bước trong quá trình mua bán bất động sản
Chốt giao dịch và đặt cọc: Lưu ý mức đặt cọc không quá 10% giá trị của bất động sản đó.
Ký kết hợp động mua bán và công chứng: Đối với mua nhà ở/căn hộ hình thành trong tương lai, người mua sẽ ký kết hợp đồng mua bán với chủ đầu tư và thanh toán theo tiến độ của dự án. Các khoản thuế đã được tính trong tổng giá bán. Sổ hồng/sổ đỏ sẽ cấp sau khi căn hộ hoàn thiện. Trường hợp mua bán nhà đất, nhà riêng giữa hai cá nhân thì việc đặt cọc, thương lương, các khoản trong hợp đồng tùy thuộc vào hai bên. Hợp đồng mua bán cần phải được công chứng tại phòng công chứng. Sau khi hợp đồng ký kết, bên mua sẽ trả 100% giá trị bất động sản cho bên bán sau khi đã trừ đi tiền đặt cọc đã thương lượng.
Trả thuế và phí: Người mua sẽ đóng thuế trước bạ là 0.5% giá trị bất động sản. Người bán sẽ đóng thuế thu nhập cá nhân là 2%. Tuy nhiên nếu người bán có thể chứng minh bất động sản là duy nhất thì có thể miễn thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra còn có một số loại phí khác như phí công chứng, phí thẩm định giá, phí địa chính (nếu có).
4. Những lưu ý không thể bỏ qua trong hợp động mua bán
Để tránh mọi kiện tụng, tranh chấp, và rủi ro trong quá trình mua bán, trong hợp đồng mua bán cần phải ghi rõ những điều khoản sau: giá mua, diện tích mua, tiền cọc, tiến độ xây dựng (đối với nhà ở hình thành trong tương lai và nhà ở dự án, cần phải ghi rõ thời hạn xây dựng, có được tự xây không, chi phí xây dựng để người mua tính toán ngân sách), ngày bàn giao nhà, phương thức và tiến độ thanh toán.
(Nguồn tổng hợp)