Mua nhà đất là một quyết định lớn, đòi hỏi phải suy nghĩ cẩn thận. Trong đó, người mua cần phải xem xét vấn đề pháp lý của bất động sản mình định mua để tránh rủi ro. Dưới đây là những chiêu lừa đảo thường gặp và cách phòng trách.

lat-tay-nhung-chieu-lua-dao-phap-ly-khi-mua-nha-dat-va-cach-phong-tranh

Chiêu lừa đảo 1: Bên bán nhận tiền đặt cọc từ nhiều người

Khi người mua tìm được một mảnh đất hợp ý và biết được rằng mảnh đất này đang có người người muốn nhắm tới. Để giữ chỗ, người bán sẽ yêu cầu người mua đặt cọc bằng giấy tay, không công chứng.

Đây cũng chính là sơ hở để người bán nhận tiền đặt cọc của nhiều người. Đến khi mọi việc xong xuôi thì “cao chạy xa bay”. Những người mua vô tình vướng vào tranh chấp nhà đất nhưng muốn kiện cũng không thể kiện được do giấy tờ đặt cọc là giấy tờ tay, không công chứng, không có giá trị pháp lý.

Cách phòng trách rủi ro: Hợp đồng đặt cọc giữa hai bên nên có công chứng để đảm bảo quyền lợi của mình. Những giao dịch bằng tiền bạc nên thực hiện tại ngân hàng để phòng tránh rủi ro.

Chiêu lừa đảo 2: Nhà đất quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo

Rất nhiều người mua chỉ vì muốn nhanh gọn và thuận tiện nên tin tưởng vào những lời quảng cáo “có cánh” của người bán. Kết quả đến khi nhận nhà thì mới phát hiện chất lượng nhà không đạt yêu cầu, nhà cũ nát, hệ thống giao thông bất tiện, thường xuyên xảy ra ngập lụt, úng nước…Lúc đó, số tiền bỏ ra không thể lấy lại được.

Cách phòng tránh rủi ro: “Chọn mặt gửi vàng”. Chỉ mua nhà đất của những chủ đầu tư có uy tín, người bán có lai lịch sạch sẽ. Nếu mua nhà đã xây dựng xong, người mua nên trực tiếp đến nhà để kiểm tra chất lượng. Nếu mua nhà dự án, cần tìm hiểu thông tin về chủ đầu tư, những dự án mà chủ đầu tư đã thực hiện trước đó.

Chiêu lừa đảo 3: Mua phải nhà đất dính quy hoạch, tranh chấp, hoặc chuẩn bị thu hồi

Để nhanh bán được nhà, nhiều người bán không ngần ngại giấu thông tin nhà đất dính quy hoạch, tranh chấp hoặc chuẩn bị thu hồi. Kết quả, khi người mua quá chủ quan mua phải những bất động sản trên dẫn tới bị chôn vốn và gặp rất nhiều rắc rối, bán cũng không được mà ở cũng chẳng xong, muốn xây sửa thì vướng rào cản pháp lý.

Cách phòng tránh rủi ro: Người mua có thể nhận biết nhà đất dính quy hoạch hay không bằng cách kiểm tra thông tin trên sổ đỏ. Hoặc tra cứu thông tin quy hoạch tại cơ quan chức năng có thẩm quyền nơi có đất.

Chiêu lừa đảo 4: Đưa giấy tờ giả hay đóng giả chủ sở hữu nhà đất

Những kẻ lừa đảo hiện nay có thể lợi dụng công nghệ in ấn hiện đại để làm giả giấy tờ nhà đất, hoặc thông tin trên sổ đỏ để đóng giả chủ nhà. Kết quả, người mua dễ dàng bị sập bẫy và mất trắng.

Cách phòng trách rủi ro: Trước khi tiến hành giao dịch nhà đất, người mua cần phải xác minh thông tin trong hồ sơ tại các cơ quan chức năng như Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, hoặc Văn phòng công chứng uy tín tại địa phương. Khi nghi ngờ giấy tờ giả, chủ sở hữu giả, người mua cần phải ngừng mọi thủ tục giao dịch ngay lập tức.

Chiêu lừa đảo 5: Giá trị trên hợp đồng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế

Mục đích mà người bán để giá trị thanh toán trên hợp đồng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế là để trốn thuế và các chi phí phát sinh. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể dẫn tới rủi ro cho các bên, nhất là người mua nhà. Nếu bị phát hiện, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cách phòng tránh rủi ro: Người mua không nên nghe theo lời dụ dỗ của người bán nhằm tránh những rủi ro về pháp lý và bảo vệ quyền lợi của mình. Kiểm tra thông tin trên hợp đồng có khớp với thông tin thực tế hay không.

Chiêu lừa đảo 6: Hợp đồng giao dịch sơ sài

Người bán có thể lợi dụng những sơ hở trong hợp đồng giao dịch mua bán nhà đất để đổ rủi ro cho người mua, hoặc khiến người mua sập bẫy. Kết quả, sau khi nhà trao tay, người mua mới phát hiện trong hợp đồng có nhiều quy định sơ sài, ảnh hưởng tới quyền lợi của mình.

Cách phòng tránh rủi ro: Đọc ký hợp đồng trước khi ký. Nếu có thể, hãy tham khảo ý kiến của luật sư và những người có kinh nghiệm trước khi quyết định bỏ tiền.