Mua căn hộ chung cư hình thành trong tương lại hoặc đã hoàn thiện thường có rủi ro về vấn đề tranh chấp, ảnh hưởng tới quyền lợi của người mua. Do đó, người mua cần nhận diện 6 loại tranh chấp chung cư thường gặp dưới đây để phòng tránh.

diem-danh-6-loai-tranh-chap-chung-cu-pho-bien-dan-den-kien-tung

6 nguyên nhân dẫn đến tranh chấp khi mua căn hộ chung cư hình thành trong tương lai hoặc đã hoàn thiện

Chất lượng công trình: Rất nhiều dự án chung cư hình thành trong tương lai có chất lượng công trình không đảm bảo tiêu chuẩn như đã cam kết với khách hàng. Kết quả, khi dọn đến ở, nhiều cư dân bức xúc về chung cư xuống cấp trầm trọng nhưng chủ đầu tư không chịu bảo hành. Bên cạnh đó, nhiều công trình chung cư vừa xây xong, chưa được kiểm định đã bàn giao cho khách hàng dẫn đến nhiều thiếu sót trong kết cấu, thiết bị… Do đó, để phòng tránh tranh chấp liên quan đến chất lượng công trình và bảo vệ quyền lợi của mình, người mua cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản kết quả nghiệm thu do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Quyền sở hữu chung – riêng: Nhiều chung cư thiếu minh bạch trong việc công khai quyền sở hữu chung – riêng khiến nhiều cư dân bức xúc. Có nhiều chủ đầu tư còn tận dụng phần diện tích chung để làm trung tâm thương mại hoặc các công trình phụ phục vụ cho mục đích riêng.

Phí bảo trì, phí dịch vụ nhà chung cư: Theo Luật Nhà ở năm 2014, người mua căn hộ chung cư phải nộp phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua nhà cho chủ đầu tư để chủ đầu tư bàn giao cho Ban quản trị theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, chủ đầu tư trì hoãn việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra Ban quản trị. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư thiếu minh bạch trong việc thông báo phí bảo trì, phí dịch vụ, phí gửi xe… gây ra xung đột giữa chủ đầu tư và khách mua.

An toàn phòng cháy chữa cháy: Vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy luôn được chú trọng khi mua căn hộ chung cư. Tuy nhiên, có nhiều dự án, chủ đầu tư không thực hiện như cam kết với khách hàng như làm thiếu đường thoát hiểm, thiết bị phòng cháy chữa cháy, hệ thống báo cháy không hoạt động.

Diện tích căn hộ: Do trước đây luật chưa quy định cụ thể về cách tính lô gia chung cư dẫn đến xảy ra chấp tranh giữa chủ đầu tư và khách mua. Nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng sự chênh lệch giữa cách đo mép trong và mép ngoài của căn hộ để thu lời hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp do sự chênh lệch giữa diện tích căn hộ thực tế và diện tích trên giấy tờ.

Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ: Đây là nỗi lo lắng của nhiều người mua dự án căn hộ chung cư hình thành trong tương lai hoặc đã hoàn thiện để ở. Rất nhiều cư dân dù dọn vào ở trong căn hộ chung cư nhiều năm nhưng vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ.

(Tổng hợp bởi odt.vn)