Hoàn công là thủ tục cần thiết khi muốn hợp thức hoá việc sở hữu căn nhà. Mua nhà chưa làm thủ tục hoàn công có thể dẫn đến nhiều rủi ro cho người mua.
Hoàn công là gì và nguyên nhân nhà chưa hoàn công
Hoàn công là thủ tục bắt buộc đối với nhà ở, công trình xây dựng được cấp phép. Nói một cách chính xác, hoàn công nhà ở là thủ tục nghiệm thu công trình hoặc thông báo cho cơ quan Nhà nước trước khi đưa vào sử dụng.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc nhà chưa hoàn công. Một là chủ nhà không làm thủ tục hoàn công. Lý do thứ hai là chủ nhà lấn chiếm, xây dựng trái phép nên không được hoàn công.
Các công trình xây dựng cần xin cấp giấy phép không làm thủ tục hoàn công thì không được lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà.
Bên cạnh đó, theo Điều 118, 119, 120 của Luật Nhà ở 2014 và một số điều trong Luật Đất đai 2013, giao dịch mua bán nhà ở buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Rủi ro đối với người mua khi mua nhà chưa hoàn công
Một số người cho rằng mua nhà để ở, không buôn bán bất động sản thì không cần phải quan tâm tới thủ tục hoàn công. Tuy nhiên, việc mua nhà hoàn công có thể dẫn đến một số rủi ro nhất định cho người mua.
Thứ nhất, nhà chưa hoàn công sẽ không thể chuyển nhượng nhà nằm trên đất. Người mua chỉ có thể ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Mua nhà chưa hoàn công, người mua chỉ có quyền sở hữu sử dụng đất mà không có quyền sở hữu nhà trên đất.
Ngoài ra, nếu chủ nhà cũ không có giấy chứng nhận, thì người mua sẽ gặp khó khăn nếu muốn làm thủ tục hoàn công nhà ở, nhất là khi cần chủ cũ ký một số giấy tờ mà chủ cũ không có ý định giúp đỡ.
Thứ ba, mua nhà chưa làm thủ tục hoàn công, người mua sẽ khó có thể đem nhà đi thế chấp ngân hàng, chuyển đổi hay tặng lại cho con cái.
Thứ tư, nếu nhà chưa hoàn công trong trường hợp xây dựng trái phép, người mua cần phải sửa nhà theo đúng giấy phép xây dựng để có thể làm thủ tục hoàn công theo quy định. Nếu không, ngôi nhà đó có thể bị tháo dỡ, phá bỏ.
Thứ năm, nhà chưa làm thủ tục hoàn công sẽ không được xem xét đền bù giải phóng mặt bằng khi ngôi nhà đó nằm trong quy hoạch của địa phương.
Do đó, mặc dù hoàn công là một thủ tục nhỏ nhưng lại vô cùng cần thiết vì nó liên quan tới pháp lý của ngôi nhà. Để hạn chế rủi ro có thể xảy ra, người mua cần phải mua nhà có đầy đủ tính pháp lý. Nếu phát hiện nhà chưa hoàn công, người mua cần phải yêu cầu chủ sở hữu nhà đất tìm cách thức phù hợp để có thể hoàn công căn nhà trước khi làm giao dịch chuyển nhượng.
(Tổng hợp bởi odt.vn)