Thuê nhà nguyên căn rồi cho thuê lại đang trở thành cách đầu tư “hốt bạc” của rất nhiều người. Tuy nhiên, để đảm bảo tỷ lệ lấp đầy phòng và thu được lợi nhuận, nhà đầu tư nên chú ý những điều sau.

bi-quyet-chon-nha-nguyen-can-de-cho-thue-lai-som-thu-duoc-loi-nhuan

Xác định rõ phân khúc khách hàng

Trước khi chọn nhà nguyên căn rồi cho thuê lại, nhà đầu tư nên xác định rõ phân khúc khách hàng mình muốn hướng tới để có thể xác định chi phí thuê phòng, tìm được địa điểm phù hợp và tính toán chính xác thời gian rút ngắn thu hồi vốn. Cụ thể, nếu như đối tượng là sinh viên, nhà đầu tư có thể chọn những căn ngay gần trường học với chi phí cho thuê phải chăng. Nếu là người lao động có thể chọn những khu vực gần nhà máy, khu công nghiệp, có giao thông thuận tiện đi lại. Ngoài ra, nếu đối tượng là những người có thu nhập cao, nhà đầu tư có thể chọn những căn đầy đủ tiện nghi.

Khoanh vùng vị trí

Như đã nói ở trên, đối tượng khách hàng nhà đầu tư muốn hướng tới có thể quyết định vị trí thích hợp nhất để thuê nhà nguyên căn rồi cho thuê lại. Tuy nhiên, những khu vực cần tìm nên gần các khu dân cư hiện hữu, xung quanh có đầy đủ hạ tầng tiện ích, gần trường học, các khu văn phòng, các tuyến đường lớn...

Cải tạo và tách phòng

Sau khi đã chọn vị trí và tìm được ngôi nhà phù hợp, nhà đầu tư có thể tiến hành bước tiếp theo là cải tạo và tách phòng để dùng cho việc cho thuê nhà trọ/phòng trọ. Nhà đầu tư cần thảo luận với chủ nhà, bàn kỹ về hợp đồng xem có điều khoản cho phép cải tạo hay không. Nhà đầu tư cần phải đảm bảo việc sửa chữa, cải tạo để cho thuê lại không làm hư hại tổng thể chi tiết căn nhà và không làm phát sinh chi phí. 

Lên kế hoạch chi tiết về các khoản chi phí

Để có thể nhanh thu hồi vốn và có được lợi nhuận, nhà đầu tư cần lên kế hoạch chi tiết về các khoản chi phí gồm: chi phí thuê nhà, chi phí sửa sang nhà, chi phí quảng cáo và chi phí dự phòng. Từ các chi phí này, nhà đầu tư sẽ có thể tính toán và đưa ra mức giá thuê hợp lý căn cứ vào diện tích và nội thất của mỗi phòng.

Tìm hiểu kỹ tính pháp lý của ngôi nhà

Cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng là nhà đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ pháp lý của ngôi nhà để hạn chế rủi ro xảy ra. Nhà đầu tư cần phải đọc kỹ bản hợp động thuê nhà, xem kỹ các điều khoản, kiểm tra các thoả thuận về việc sửa chữa, tách phòng cũng như ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi xảy ra cháy nổ, hỏng hóc trong nhà.

(Tổng hợp bởi odt.vn)