Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Xây dựng làm rõ việc bố trí thêm tầng lánh nạn khiến giá căn hộ chung cư bị đẩy lên cao, khó triển khai thực hiện.
Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất
Nội dung văn bản chỉ rõ, thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo chí phản ánh về việc quy định các dự án chung cư cao từ 30 – 50 tầng phải có 1 – 2 tầng lánh nạn sẽ làm giá căn hộ bị đẩy lên cao, khó triển khai thực hiện. Trong khi đó, quy định về hạ tầng kỹ thuật được ban hành từ lâu, nhưng hầu hết các chủ đầu tư đều không áp dụng vào công trình. Đáng chú ý, một số trường hợp còn chiếm dụng luôn tầng kỹ thuật, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết vấn đề này.
Được biết, ngày 06/04/2020 vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020 (quy chuẩn 06:2020) về An toàn cháy cho nhà và công trình, chính thức có hiệu lực từ 01/07 và bắt buộc áp dụng đối với tất cả các chủ đầu tư. So với các quy định cũ thì có nhiều điểm mới.
Cụ thể, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy trước đây chỉ áp dụng đối với công trình có 1 tầng hầm, chiều cao dưới 75m (dưới 30 tầng). Nhưng thực tế phát triển hiện nay lại cho thấy có không ít tòa nhà trên 50 tầng, chiều cao lên đến cả 100m và nhiều hơn 1 tầng hầm tại các đô thị.
Vì vậy, Quy chuẩn 06:2020 này được Bộ Xây dựng mở rộng phạm vi điều chỉnh, áp dụng đối với cả những công trình có chiều cao lên tới 150m, sở hữu đến 3 tầng hầm (trừ trường học và bệnh viện). Theo đó, công trình trên 100m phải có tầng lánh nạn, trên tầng lánh nạn phải bố trí gian lánh nạn. Các tầng lánh nạn không cách nhau quá 20 tầng, không được phép bố trí căn hộ, kinh doanh trên diện tích này.
Kiến nghị của HoREA
Trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM; Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, cần có các quy định chi tiết và cụ thể hơn về tầng lánh nạn chung cư.
Theo Hiệp hội, việc bỏ ra từ 1 - 2 tầng để làm khu lánh nạn sẽ làm giảm số lượng căn hộ, giảm diện tích kinh doanh, tăng chi phí đầu tư… Từ đó, kéo theo việc tăng giá bán căn hộ, tăng giá bán các diện tích kinh doanh mà người mua và người đầu tư thứ cấp chính là đối tượng phải gánh chịu.
Vậy nên, để tạo điều kiện thuận lợi cho cả người mua và chủ đầu tư, HoREA kiến nghị không tính diện tích tầng lánh nạn vào hệ số sử dụng đất khi xác định diện tích sàn xây dựng của dự án. Thay vào đó, phương án hợp lý hơn là cộng chiều cao tầng lánh nạn vào chiều cao tối đa của công trình.
Trường hợp công trình cao trên 150m, kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung vào QCVN 06:2020/BXD sau khi tham khảo, nghiên cứu quy chuẩn, tiêu chuẩn về tầng lánh nạn của các quốc gia khác trên thế giới.