UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh đầu tư dự án phát triển giao thông xanh, hay còn gọi là dự án Tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1. Theo đó, tuyến BRT này sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư dự kiến là gần 3.300 tỷ đồng.

TP.HCM sẽ có xe buýt nhanh đầu tiên vào năm 2023

Không thua kém BRT Light của thế giới

Theo UBND thành phố, dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư, sẽ xây dựng tuyến xe buýt chất lượng cao số 1 với đặc trưng kĩ thuật không thua kém gì loại hình BRT Light của thế giới. Vì vậy, nó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của mô hình giao thông hiện đại: Thẻ vé kiểm soát thông minh (tích hợp công nghệ NFC – vé thanh toán bằng điện thoại); hệ thống thông tin hành khách (PIS) cho phép hành khách dễ dàng tiếp cận, cập nhật thông tin cụ thể về các chuyến đi…

Tổng chiều dài của tuyến chính là 26 km với điểm đầu nằm tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), điểm cuối ở ga Rạch Chiếc (quận 2). Theo kế hoạch được duyệt, sau khi bến xe Miền Tây mới hoàn thành, lộ trình của tuyến sẽ được kéo dài đến đầu bến xe này. Tuyến sẽ chạy dọc theo hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, qua địa phận của các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của TP.HCM có sức chứa 60 - 72 hành khách/xe, sàn xe cao 30 cm. Tổng số lượng xe buýt đầu tư là 42 chiếc (với 39 chiếc được vận hành trong năm đầu, năm thứ 3 thêm 3 chiếc và 10% xe dự phòng).

Xe được chạy với tốc độ tối đa là 60km/h trên làn đường được thiết kế riêng. Cụ thể, TP.HCM sẽ cải tạo và bố trí 2 làn đường nằm sát dải phân cách trung tâm của phần làn đường cơ giới hiện hữu. Ngoài ra, bổ sung dải phân cách bằng bê tông để tránh các phương tiện cơ giới khác lấn làn. Như vậy, chỉ có xe buýt gom, xe buýt thông thường và xe ưu tiên được sử dụng làn đường dành riêng này. Bên cạnh đó, thành phố cũng có dự tính mở rộng thêm bên 1 làn xe vào dải phân cách trung tâm từ đoạn Đồng Văn Cống đến nút giao Cát Lái.

Để các trạm BRT có thể tiếp cận với nhiều hành khách, thành phố sẽ bố trí 28 trạm dừng trên tuyến, 8 bãi đậu xe cá nhân. Đồng thời, một số cầu vượt kênh, cầu bộ hành xung quanh các trạm dừng cũng sẽ được đầu tư xây dựng mới. Tổng kinh phí dự kiến cho toàn dự án là hơn 3.272 tỉ đồng. Trong đó, hơn 422 tỉ đồng là nguồn vốn đối ứng, số còn lại là vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Dự tính, đến năm 2023, dự án sẽ hoàn thành.

TP.HCM kỳ vọng sau khi đưa vào khai thác, tuyến BRT số 1 sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, tái cấu trúc mạng lưới xe buýt kết hợp với tuyến xe điện ngầm. Từ đó có thể thu hút người dân sử dụng nhiều hơn các phương tiện công cộng, giảm thiểu các vấn đề đang nhức nhối tại thành phố như ùn tắc giao thông, tai nạn…

Được biết, dự án xây dựng tuyến BRT số 1 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2013 với thời gian thực hiện là 5 năm (từ năm 2014 đến năm 2019). Nhưng vì một vài nguyên nhân nên đến tháng 11/2020, UBND TP.HCM mới kiến nghị xin Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn đến năm 2023 và đã được chấp thuận.