Theo Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉ lệ dân số đô thị cả nước sẽ chạm ngưỡng 45%. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng tính toán rằng, cần phát triển 70 triệu m2/năm để đáp ứng nhu cầu về nơi ở tại khu vực đô thị.

Bộ Xây dựng: Cần phát triển 70 triệu m2 nhà ở đô thị mỗi năm

Tập trung ở các thành phố lớn

Mới đây, tại cuộc hội thảo về phát triển thị trường bất động sản trong giai đoạn 2021 – 2030, đại diện của Bộ Xây dựng nhận định, nhu cầu về nhà ở sẽ tăng cao, đặc biệt là tại khu vực đô thị. Thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng này. Tuy nhiên Bộ đặc biệt nhấn mạnh vào sự gia tăng dân số nhanh; tốc độ đô thị hóa cao; sự tăng trưởng kinh tế đưa thu nhập bình quân đầu người tăng và nhu cầu sở hữu nhà đất cũng tăng theo.

Theo Bộ Xây dựng, tỉ lệ dân số đô thị đang rơi vào khoảng 40%. Nếu kịch bản diễn ra theo đúng Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 thì con số này sẽ là 45%. Như vậy, trong 10 năm sắp tới, sẽ phải xây dựng được 700 triệu m2 nhà ở đô thị, tương đương mỗi năm là 70 triệu m2.

Cũng theo vị đại diện này, nhu cầu nhà ở mới sẽ tăng trưởng không đồng đều, tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp và tại một vài thành phố lớn. Điển hình, phía Bắc là thành phố Hà Nội và các đô thị vệ tinh như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh; vùng Đông Nam Bộ là Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương; phía Nam là TP.HCM. Trong đó, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM với sức hấp dẫn “khủng” được dự kiến sẽ chiếm 50% diện tích đất đô thị của cả nước, 75% tăng trưởng không gian đô thị và khoảng 67% nhu cầu quan tâm nhà ở hàng năm.

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế khiến mặt bằng thu nhập của người dân tại các đô thị được cải thiện, nhu cầu về số lượng và chất lượng nhà ở cũng theo đó mà tăng lên. Song, Bộ Xây dựng đánh giá, ngân sách chi tiêu cho hạng mục này sẽ có biến động nhưng không đáng kể.

Xét riêng nhu cầu cho từng phân khúc: Nhà biệt thự, liền kề giữ ổn định trong ngắn hạn, nhiều khả năng sẽ đi xuống trong dài hạn; chung cư giá rẻ và trung bình tiếp tục chiếm phần lớn thị trường và không có chiều hướng giảm; nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp ở mức cao nhưng nguồn cung vẫn sẽ khan hiếm trong cả ngắn và trung hạn.

Trước đó, báo cáo giai đoạn 2015 – 2020 của cơ quan đứng đầu lĩnh vực xây dựng cho thấy, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều loại hình bất động sản đã thay đổi và ngày càng đa dạng. Ngoài phân khúc nhà ở thương mại còn có nhà ở xã hội, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp, trung tâm thương mại, văn phòng, mặt bằng cho thuê…

Trong khoảng thời gian này, cả nước đã và đang triển khai khoảng 5.000 dự án. Trong đó có 1.000 dự án nhà ở xã hội, 40.000 căn hộ du lịch, 326 khu công nghiệp và hơn 6 triệu m2 văn phòng cho thuê… Nhưng Bộ Xây dựng cho rằng, sự phát triển này chưa thật sự bền vững, thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định. Thể hiện ở việc giá nhà ở vẫn “neo” cao; thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân; dư thừa dòng sản phẩm cao cấp.