Sau 3 năm có hiệu lực, Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND (QĐ60) quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa tại TP.HCM đã bộc lộ nhiều thiếu sót, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân địa phương.
Quyền tách thửa của hàng nghìn hộ dân “bị từ chối”
Chia sẻ với lãnh đạo các đơn vị chức năng, ông Nguyễn Hoàng Kha, một hộ dân ngụ tại quận 9, TP.HCM cho hay: Gia đình ông đang sở hữu một thửa đất ở phường Trường Thạnh và đã nộp hồ sơ xin tách thửa được 3 năm. Nhưng trường hợp của ông không được giải quyết do thửa đất đó thuộc khu dân cư xây dựng mới. Mà theo QĐ60 thì đây là trường hợp không được phép tách thửa. Ông Kha rất bức xúc vì theo Luật Đất đai hiện hành, không có khái niệm về khu dân cư xây dựng mới hay đất hỗn hợp, chỉ có hai loại hình là đất nông nghiệp và đất ở.
Mặt khác, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho biết, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết 10/2019, thành phố tiếp nhận 5.711 hồ sơ xin tách thửa và đã giải quyết toàn bộ. Tuy nhiên, theo số liệu của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, toàn thành phố có hơn 14.000 ha đất nằm trong quy hoạch “đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới”.
Cũng có nghĩa là, ông Kha không phải là trường hợp duy nhất. Còn có hàng nghìn hộ gia đình, cá nhân cần tách thửa nhưng quyền lợi hợp pháp này đã “bị từ chối”.
Quyết định 60 làm khó người dân
Nhận định về QĐ60, Luật sư Nguyễn Văn Tâm, Trưởng văn phòng LS Tâm Pháp Quyền cho rằng, quyền lợi chính đáng của người dân bị ảnh hưởng. Theo quy định tại Luật Đất đai, đất ở chỉ được chia làm hai loại là đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị. Trong khi đó, QĐ60 chia đất ở thành nhiều loại, gắn với quy hoạch để cấm người dân thực hiện quyền tách thửa của mình như: Đất xây dựng mới thấp tầng, cao tầng; đất ở thuộc quy hoạch dân cư hiện hữu hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang…
TQĐ60 cũng đề cập đến trường hợp xây dựng mới được tách thửa sau 3 năm kể từ ngày rà soát quy hoạch. Nhưng lại không chỉ rõ thời điểm và đơn vị chịu trách nhiệm rà soát. Hơn thế nữa, phần lớn các địa phương đều không rà soát quy hoạch vì khối lượng công việc quá lớn, có thực hiện thì cũng mất rất nhiều thời gian. Vậy nên, quy định như vậy không khác gì là làm khó người dân, ông Tâm đánh giá.
Xét về thực tiễn, việc tách thửa là nhu cầu cần thiết để làm ăn, sinh sống, đảm bảo quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người dân. Cấm tách thửa cũng là một hành vi xâm phạm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản đã được pháp luật bảo vệ. Nếu quy định không được sửa đổi kịp thời sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như xây dựng không phép, bán nhà bằng hợp đồng ghi tay, bằng vi bằng, đi cửa sau để tách thửa, lập sổ chui… vì nhu cầu thực tế vẫn có.
Lên tiếng về vấn đề này ông Dư Huy Quang - Trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở TN&MT cho biết: Sở ghi nhận những ý kiến đóng góp và sẽ cố gắng hoàn thiện trong dự thảo sửa đổi Quyết định 60 trong tháng 10/2020 để lấy ý kiến của các sở ngành và UBND quận, huyện. Quyết định sửa đổi hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu tách thửa của người dân nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước trong công tác phát triển đô thị, ông Quang chia sẻ.
(Tổng hợp bởi odt.vn)