Lợi dụng tâm lý ham rẻ và thiếu hiểu biết pháp luật, một số đối tượng đã lừa đảo người mua nhà đất bằng hợp đồng ghi tay hay chỉ lập vi bằng giao nhận tiền.
Không phải là hiếm gặp
Trong suốt 1 năm qua, 16 hộ dân sinh sống trên đường TX 52, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa khi UBND phường ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ các căn nhà mà họ đã mua. Lý do được đưa ra là công trình xây dựng trái phép.
Đại diện các hộ dân, bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: Tháng 5/2019, bà cùng 15 hộ dân khác đã mua nhà tại một dự án do bà Tô Thị Cẩm Thúy làm chủ đầu tư. Giá mỗi căn từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng tùy vào vị trí. Khi mua, tất cả mọi người đều được bà Thúy cho xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và giấy xác nhận đã xóa đăng ký thế chấp từ phía ngân hàng. Thủ tục mua bán sau đó được thực hiện thông qua vi bằng "Xác thực hành vi các bên giao, nhận tiền" được lập bởi Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn.
Ba tháng sau đó, tức là vào khoảng 8/2019, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi thấy ngân hàng dán thông báo thu hồi lại tài sản (nhà ở) để tiến hành phát mại, Đồng thời, Sở xây dựng TP.HCM còn ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ vì xây dựng trái phép, bà Hoa cho hay.
Giải thích với các hộ dân, UBND phường Thạnh Xuân cho biết, theo hồ sơ được lưu trữ thì lô đất trên thuộc quyền sử dụng của một cá nhân và chỉ được cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên, sau khi thanh tra, Sở Xây dựng đã phát hiện công trình có nhiều sai phạm và yêu cầu chủ đất khôi phục về đúng hiện trạng theo giấy phép. Đến thời điểm hiện tại, việc khắc phục vẫn chưa được thực hiện nên Sở phải tiến hành các biện pháp cưỡng chế.
Trường hợp của 16 hộ dân nói trên không phải là hiếm gặp. Thời gian gần đây, lợi dụng tâm lý ham rẻ của một số người có thu nhập thấp mà nhiều đối tượng đã xây dựng nhà diện tích nhỏ, sổ hữu "sổ chung" và giao dịch với hình thức lập vi bằng". Tình trạng này hiện đang nở rộ tại các huyện ngoại thành như: Gò Vấp, 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức...
Phần lớn những căn hộ này được xây dựng trên cùng một thửa đất của cùng một chủ đất. Vì diện tích căn hộ nhỏ hơn diện tích tối thiểu được cấp giấy tờ sử dụng nên thường 4 căn hộ dùng chung 1 “sổ đỏ”. Trong khi đó, nhà không có giấy tờ riêng thì không thể chuyển nhượng và thực hiện các quyền tại cơ quan Nhà nước.
Vì vậy, người bán và người mua thường ra văn phòng thừa phát lại để trao tiền và lập vi bằng về việc giao dịch. Sau một thời gian về ở, người mua nhà nhận “trái đắng” với đủ mọi vướng mắc như: nhà không giấy tờ, bị tháo dỡ vì xây không phép, bị ngân hàng siết nợ…
Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã, văn phòng luật sư DBS, điểm sai lầm của người mua là thiếu hiểu biết về mặt pháp luật. Xét về bản chất, giao dịch thông qua vi bằng không khác gì so với giao dịch bằng hợp đồng viết tay trước đây. Cũng có nghĩa là lập vi bằng để mua nhà đất không có giá trị pháp lý. Một giao dịch hợp pháp là giấy tờ chuyển nhượng phải được công chứng tại cơ quan thẩm quyền nơi có đất và có sự chỉnh lý trong giấy tờ, hồ sơ có liên quan.
(Tổng hợp bởi odt.vn)