Để thúc đẩy kinh tế vùng, phân luồng khai thác vận tải, giải quyết bài toán logistics… TP.HCM đã đề xuất xây dựng 5 tuyến đường sắt kết nối với sân bay Long Thành, Cần Thơ, Long An, Tây Ninh và trên trục Bắc - Nam.

TP.HCM đề xuất xây dựng mới 5 tuyến đường sắt kết nối với phía Nam

5 tuyến đường được thiết kế như thế nào?

Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM - ông Lê Thanh Liêm vừa ký Quyết định 4432/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là một trong số 45 đề án thuộc chương trình đột phá trọng điểm tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI.

Theo đề án, hiện nay chi phí logistics của một số ngành hàng tại thành phố còn khá cao. Chẳng hạn như, trong ngành thủy, hải sản chiếm đến 25 – 30% tổng chi phí. Nguyên nhân chủ yếu là do các tuyến đường kết nối trong phạm vi thành phố nói riêng và từ thành phố đi đến các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung luôn trong tình trạng quá tải, ùn tắc kéo dài.

Vì vậy, mục tiêu của thành phố trong 5 năm sắp tới là nâng cao vai trò đầu mối giao thương hàng hoá, tăng tính kết nối với thị trường lân cận. Từ đó, sẽ giảm được chi phí logistics cả nước so với GDP khoảng 10 - 15%.

Để đạt được mục tiêu này, TP.HCM sẽ tập trung đẩy mạnh các dự án phát triển mạng lưới giao thông đường sắt hiện đại, kết nối đồng bộ với hệ thống cảng biển quan trọng tại thành phố và khu vực phía Nam. Nổi bật trong mạng lưới này là 5 tuyến đường sắt sau:

Thứ nhất, tuyến TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ (có thể kéo dài đến Cà Mau). Theo dự kiến ban đầu, tuyến đường dài hơn 173 km, được kết nối với tuyến đường sắt Bắc – Nam và đi qua địa phận của 6 tỉnh thành gồm: Bình Dương, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, TP.HCM, Vĩnh Long. Điểm đầu hành khách nằm tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), điểm đầu hàng hóa tại thành phố Dĩ An (Bình Dương) và điểm cuối ở quận Cái Răng (Cần Thơ).

Thứ hai, tuyến TP.HCM - Tây Ninh (kéo dài đến cửa khẩu Xa Mát và Mộc Bài). Công trình dài 139 km được kết nối với đường sắt TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp (quận 12, TP.HCM). Trong đó, sẽ được đầu tư trước đoạn ga Tân Chánh Hiệp đến ga Trảng Bàng (Tây Ninh) dài 40km.

Thứ ba, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trong đó, đoạn từ TP.HCM - Nha Trang có chiều dài 366 km sẽ được ưu tiên xây dựng để đáp ứng nhu cầu vận tải. Đoạn từ Thủ Thiêm đến ga Bình Sơn (tỉnh Đồng Nai) dài 32 km được đầu tư đường sắt tốc độ cao.

Thứ tư, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành (Đồng Nai). Theo thiết kế, đây là tuyến đường đôi với chiều dài 37 km, bắt đầu từ ga Thủ Thiêm và có điểm dừng ở 19 nhà ga, chuyên phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách ở sân bay.

Thứ năm, tuyến đường sắt đôi chuyên dụng kết nối từ đường sắt Quốc gia đến cảng Long An và cảng Hiệp Phước (TP.HCM). Tuyến có chiều dài 30 km, kết nối từ ga Long Định (huyện Cần Đước, Long An) đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) và chỉ đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa

Bên cạnh việc đề xuất xây dựng mới các tuyến đường nói trên, đề án còn đề cập đến kế hoạch nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện hữu để đảm bảo tốc độ vận chuyển hành khách trung bình đạt 80 - 90km/h, hàng hóa 50 - 60km/h. Đồng thời, đề xuất đẩy nhanh tiến độ các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài...