Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của cử tri và nhân dân Thủ đô là việc quản lý, sử dụng chung cư đã được đề cập tại kỳ họp thứ 18 Hội đồng Nhân dân khóa XV, nhiệm kì 2016 – 2021.

Hà Nội và bài toán quản lý, sử dụng nhà chung cư

Chưa có cơ chế xử lý thích hợp

Theo báo cáo của UBND Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 845 chung cư thương mại đã được đưa vào khai thác và sử dụng. Tuy nhiên chỉ có 632 ban quản trị nhà chung cư được thành lập; 560 hồ sơ được bàn giao cho ban quản trị; 399 trên tổng số 526 ban quản trị đã nhận bàn giao kinh phí bảo trì 2%.

Qua đó có thể thấy rằng, còn rất nhiều tòa nhà chung cư chưa có ban quản trị theo đúng quy định của Luật Nhà ở; công tác bàn giao hồ sơ và bàn giao quỹ bảo trì 2% phần sở hữu chung còn chậm trễ. Tình trạng này chủ yếu diễn ra tại các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.

Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, tại quận Bắc Từ Liêm, có 143 tòa nhà chung cư đã đưa vào sử dụng. Trong đó, số trường hợp thuộc diện bắt buộc phải lập ban quản trị là 116. Nhưng hiện tại mới có 82 trên tổng số 116 tòa chung cư thực hiện đúng yêu cầu. Đáng chú ý, có đến 23 trên tổng số 82 chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo trì.

Lý giải cho những con số trên, UBND quận Bắc Từ Liêm cho rằng, do không có cơ chế kiểm tra, giám sát nên phần lớn các chủ đầu tư đều thu tiền vào chính tài khoản của mình để sử dụng vào mục đích kinh doanh. Mặt khác, cơ chế để xử lý, giải quyết các chủ đầu tư cố tình không bàn giao với lý do chưa quyết toán được còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Tương tự tại quận Nam Từ Liêm, chỉ có 127 trên tổng số 159 tòa nhà đã thành lập ban quản trị, 37 trên tổng số 127 tòa nhà chưa tiến hành bàn giao kinh phí bảo trì 2%. Nguyên nhân được xác định là do khó khăn chung. Cụ thể, vì tỉ lệ căn hộ chưa bán được còn rất lớn, hay nhiều chủ sử dụng chưa chuyển đến sinh sống nên số lượng cư dân hiện hữu trong toà nhà không đủ điều kiện tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu để thành lập ban quản trị.

Bên cạnh đó, tại một số tòa chung cư mới đưa vào sử dụng còn xảy ra tình trạng bất đồng giữa cư dân và chủ đầu tư. Họ cho rằng, có một số quy định đang mang lại cho chủ đầu tư quyền lợi quá lớn nên không hợp tác trong quá trình tham dự hội nghị nhà chung cư.

Ngoài ra, còn một số vướng mắc khác liên quan đến việc không xác định được chính xác phần sở hữu chung – riêng tại tầng 1, tầng hầm, không thống nhất được đơn vị quản lý vận hành. Ban quản trị không đủ năng lực để quản lý kinh phí bảo trì cũng như không kiểm soát được nhiều vấn đề mang tính kĩ thuật, khiến chủ đầu tư không muốn bàn giao khoản tiền này. Cũng có một vài trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng trách nhiệm, cố tình làm chậm trễ quá trình thành lập Ban quản trị và bàn giao kinh phí bảo trì 2%.

Trước đó vào tháng 5/2020, Sở Xây dựng thành phố đã có văn bản số 407 về thanh tra công tác quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Đến tháng 11/2020, UBND Hà Nội giao Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra, rà soát; giao Sở Thông tin và Truyền thông công khai danh sách các chủ đầu tư không chấp hành quy định; giao Công an thành phố xác minh các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự khi chậm bàn giao, không bàn giao, bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì cho ban quản trị công trình.