Sau một thời gian thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố về tăng cường công tác lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý công tác Nhà nước về trật tự xây dựng, TP.HCM đã đạt được những thành công nhất định. Theo đó, bình quân số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm hơn 75%.
Vi phạm chủ yếu xảy ra ở khu vực ngoại thành
Theo thống kê của Sở Xây dựng, từ ngày 15/12/2019 đến ngày 15/09/2020, TP.HCM có 596 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, 352 công trình xây dựng không phép và 244 công trình sai phép. Bình quân số vụ vi phạm mỗi ngày là 2,1 vụ.
Trong khi đó, con số này 6 tháng đầu năm 2019 (từ thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 23) là 8,5 vụ/ngày. Như vậy, bình quân số vụ vi phạm của 9 tháng đầu năm 2020 đã giảm 6,4 vụ/ngày, tỷ lệ giảm 75,3%.
Nhìn chung thì tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ càng báo cáo của một số UBND huyện ngoại thành thì tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp với quy hoạch… vẫn diễn ra phức tạp. Trong đó, số lượng vi phạm liên quan đến đất đai nhiều hơn xây dựng.
Cụ thể, huyện Củ Chi ghi nhận số trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai là 38 trường hợp, cao hơn 5,4 lần so với vi phạm trong lĩnh vực xây dựng là 7 trường hợp. Tương tự tại huyện Hóc Môn, số trường hợp vi phạm thuộc lĩnh vực đất đai trong giai đoạn từ ngày 25/7/2019 – 25/7/2020 là 98 trường hợp, cao hơn1,6 lần so với 60 trường hợp trong lĩnh vực xây dựng.
Hay tại huyện Bình Chánh, đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 292 trường hợp vi phạm về đất đai, cao gấp 5 lần so với số vi phạm về xây dựng.
Liên quan đến lĩnh vực xây dựng, đất đai, người dân tại huyện Thủ Đức cũng vô cùng bức xúc với công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng vì chính sách và phương pháp áp giá so với lúc triển khai dự án đã quá lạc hậu…
Theo UBND quận Thủ Đức, trong giai đoạn từ 01/01/2016 đến 30/06/2020, quận nhận được 648 đơn khiếu nại, tố cáo. Trong đó có 34 đơn do Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP chuyển đến. Nội dung liên quan đến lĩnh vực bồi thường, ranh đất, cấp phép xây dựng, tranh chấp lối đi, lấn chiếm lòng lề đường…
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của Chỉ thị 23, Sở Xây dựng đặt ra 3 giải pháp trước mắt. Thứ nhất, kiến nghị Sở Quy hoạch – Kiến trúc tham mưu Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị tại 35 khu vực đã được duyệt và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung trên toàn thành phố.
Thứ hai, phối hợp với Sở Nội vụ và UBND cấp huyện trực thuộc triển khai thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án này.
Thứ ba, Hướng dẫn UBND cấp huyện rà soát lại tất cả các quy hoạch. Từ đó, xác định những quy hoạch cũ, không đáp ứng được với tình hình thực tế tại địa phương để điều chỉnh cho phù hợp.
(Tổng hợp bởi odt.vn)