Một số phân khúc bất động sản vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường bất chất đại dịch Covid–19 tiếp tục bùng phát phức tạp trên diện rộng. Các nhà đầu tư có xu hướng chuyển mục tiêu về những nơi chưa bị ảnh hưởng bởi các đợt sốt đất hay các vùng quê… Đây cũng là một trong những thông tin đáng chú ý nhất của thị trường bất động sản tuần qua.
Tin tức bất động sản nổi bật
- Thị trường thứ cấp nhộn nhịp giao dịch nhà giá rẻ: Nhiều người dân quyết định tìm mua những dự án đã bàn giao vài năm với giá tăng ít so với thời điểm mở bán do giá các căn hộ mới tăng cao. Theo khảo sát, giá bán của phân khúc này không tăng mạnh trên thị trường thứ cấp nhưng giao dịch lại rất sôi động và được nhiều môi giới ưa chuộng. Những tín hiệu tích cực trên là do giá của phân khúc này dễ khớp giao dịch và phù hợp với túi tiền của nhiều người từ 1,3 – 1,5 tỷ đồng/căn.
- Nhà riêng vùng ven tăng giá đều bất chấp đại dịch Covid – 19: Từ năm 2016 trở lại đây, phân khúc nhà riêng xây dựng sẵn có mức tăng giá khá ổn định, khoảng 10%/ năm. Vào thời điểm năm 2016, giá các căn nhà xây sẵn ở các vị trí xa trung tâm như khu vực Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì chỉ có mức giá khoảng 950 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng/căn. Đến thời điểm hiện tại, giá được chào bán của phân khúc này đã lên mức 1,4 – 1,9 tỷ đồng/căn. Có hiện tượng tăng giá như vậy là do nhu cầu của người dân ở thực và những bất cập ở chung cư đã khiến người dân chuyển sang lựa chọn nhà riêng xây sẵn. Mặc dù dịch Covid – 19 bùng phát nhưng phân khúc này vẫn thu hút nhiều khách hàng.
- Nhà đầu tư bỏ phố về quê săn đất do giá đất tăng cao: Do hiện tượng giá đất tại các khu vực vùng ven nhảy múa liên tục do có các thông tin quy hoạch, dự án đã khiến cho nhiều người dân ở thành phố lớn như Hà Nội đổ về quê mua đất đầu tư do mặt bằng giá đất ở vùng quê vẫn còn thấp và khá bình lặng. Theo khảo sát, đất tại các vùng ven như Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì giá chào bán đắt ngang ngửa các khu vực phát triển thuộc các quận nội thành của thành phố với mức gái lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2. Việc người dân đổ về quê mua đất được cho là một bước đi khôn ngoan trong bối cảnh đất Hà Nội đang bị đẩy giá lên quá cao.
- Giữa đại dịch Covid -19 dân đầu tư vẫn săn bất động sản: Nhìn nhận của các chuyên gia về xu hướng giao dịch BĐS trong thời điểm này, việc phát sinh dịch cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người mua nhà do đã có kinh nghiệm với thị trường qua 03 đợt bùng dịch trước đó. Các nhà đầu tư cho biết họ có niềm tin và kinh nghiệm nên khó có chuyện giao dịch nhà đất đóng băng như đợt bùng phát dịch lần đầu tiên. Ngoài ra, người mua nhà cũng không còn nuôi hi vọng giá nhà sẽ giảm vì dịch bệnh nên nếu chọn được sản phẩm ưng ý thì họ vẫn quyết định mua. Thị trường bất động sản thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5 vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực.
Thông tin quy hoạch, dự án mới
- Cao tốc TP. HCM – Mộc Bài tăng vốn đầu tư thêm 2.286 tỷ đồng: Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài vừa được Sở Giao thông Vận tải hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án sẽ được trình HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 7 tới. Tổng mức đầu tư dự án là 15.900 tỷ đồng, tăng gần 5.200 tỷ đồng so với lần công bố năm 2019 (10.700 tỷ đồng) và tăng 2.286 tỷ đồng so với dự tính mới đây (13.614 tỷ đồng). Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài hơn 53km, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, mục đích giúp giảm tải quốc lộ 22.
- Đề xuất làm đường trên cao từ Cộng Hòa – Nguyễn Văn Linh trên địa bàn TP.HCM: Tuyến đường sẽ kết hợp một phần tuyến đường trên cao số 1, số 2 và số 3 hình thành hệ thống trục giao thông đô thị Bắc - Nam kết nối với đường vành đai 2, kết nối giữa khu vực nội thành và ngoại thành. Tuyến đường cũng sẽ kết nối khu vực phía Bắc thành phố (quận 12, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân và Gò Vấp), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với khu vực trung tâm (quận 1, 3, 4), khu đô thị Nam Sài Gòn và ngược lại. Tuyến đường gồm 4 làn xe 16m với tổng chiều dài toàn tuyến là 14.1km, chiều rộng 30m với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng.
- Tuyến đường nối Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc tổng vốn đầu tư hơn 3.780 tỷ đồng: Ngày 19/5, tại Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021, đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Dự án có tổng vốn đầu tư là hơn 3.780 tỷ đồng, trong đó hơn 1.800 tỷ đồng là vốn Trung ương hỗ trợ các dự án trọng điểm, liên kết, kết nối các vùng; hơn 1.300 tỷ đồng là vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ do cấp tỉnh quản lý, gần 670 tỷ đồng là vốn ngân sách địa phương đối ứng. Tổng chiều dài toàn tuyến là khoảng 42,47km gồm 2 đoạn. Trong đó, đoạn 1 sẽ kết nối với tỉnh Bắc Giang và đoạn 2 sẽ kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025...
- Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt khởi công: Bộ Giao thông vận tải đã ký hợp đồng triển khai dự án Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt với các chủ đầu tư. Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt là dự án đầu tiên trong 3 cao tốc Bắc Nam theo hình thức công tư PPP được triển khai. Dự án này nối Nghệ An – Hà Tĩnh vừa được khởi công tại xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư 11.150 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án xây dựng 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 với 6 làn xe và nền đường rộng 32,25m.