Tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn cả nước đang diễn ra rất chậm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người thu nhập thấp, người lao động và khiến mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" ngày càng xa rời. 

Tiến độ dự án nhà ở xã hội rất chậm, khó hoàn thành mục tiêu đề ra

Cụ thể, theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, cả nước chỉ có duy nhất 1 dự án đã hoàn thành một phần với 200 căn hộ trong quý III/2024. Trong đó, từ đầu năm 2024 đến quý 3/2024, cả nước mới chỉ triển khai 8 dự án nhà ở xã hội với quy mô 4.960 căn hộ. Ngoài dự án đã hoàn thành một phần, cả nước chỉ có 4 dự án được khởi công xây dựng trong giai đoạn này. 

Về tổng số lượng căn hộ nhà ở xã hôi cung cấp ra thị trường, từ năm 2021 - 2024, cả nước mới chỉ có 42.414 căn. Như vậy, so với Đề án 1 triệu căn hộ NOXH (giai đoạn 2021 - 2030) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì việc hoàn thành mục tiêu này còn rất xa. 

Tiến độ các dự án nhà ở xã hội rất chậm, trong khi đó, nhu cầu nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng đang rất cao, đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, còn giá nhà đất lại không ngừng "leo thang", khiến tình hình trở nên căng thẳng. 

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu người lao động có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng thì với giá nhà ở xã hội như hiện nay, người dân phải tích luỹ 20 năm mới mua và trả nợ 1 căn nhà ở xã hội diện tích khoảng 50m2. Nếu muốn mua nhà ở thương mại hiện nay tại TP.HCM và Hà Nội, thì người dân với thu nhập hàng tháng không dưới 25 triệu đồng phải mất tới 37 năm mới có thể sở hữu một căn dưới 70m2. 

Theo đánh giá của Đoàn Giám sát Quốc hội, nguyên nhân khiến việc xây dựng, triển khai các dự án nhà ở xã hội còn chậm là do nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển NOXH chưa đáp ứng tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả khi áp dụng trong thực tiễn. 

Ngoài ra, trình tự, thủ tục cho vay nhà ở xã hội theo quy trình, hướng dẫn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội còn có điểm chưa phù hợp. Cụ thể, việc thẩm định các điều kiện của đối tượng vay nhà ở xã hội còn khó khăn.

Bên cạnh đó, việc triển khai các gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở còn hạn chế trong quá trình giải ngân. Trong đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang triển khai giải ngân đạt kết quả thấp.

Nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển các dự án nhà ở xã hội. Việc phát triển các dự án nhà ở xã hội còn phụ thuộc nhiều vào quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại. Với các yếu tố trên, việc hoàn thành mục tiêu Đề án 1 triệu nhà ở xã hội trước năm 2030 là rất khó xảy ra.