Liên quan đến dự án Đầu tư xây dựng tuyến Mỹ An - Cao Lãnh, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA từ Hàn Quốc với các nội dung theo kiến nghị của Bộ Tài Chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Thủ tướng đồng ý vay hơn 166 triệu USD xây đường Mỹ An - Cao Lãnh

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo về đề xuất nói trên đến Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank) để xem xét cho vay và chuẩn bị cho các bước cho giai đoạn tiếp theo.

Giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi, làm việc với nhà tài trợ; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đơn vị có liên quan. Đồng thời, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp và Long An trong công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định hiện hành.

Chi tiết dự án

Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tuyến đường Mỹ An - Cao Lãnh có chiều dài khoảng 26,16 km. Điểm đầu tuyến được nối vào tuyến N2 tại lý trình Km 96+875, gần mố A2 cầu Kênh Giữa 1 của tuyến N2 (Long An); điểm cuối tuyến tiếp giáp với điểm đầu của dự án xây dựng cầu Cao Lãnh.

Dự án sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường đạt quy mô đường cấp III đồng bằng, tương đương với tiêu chuẩn đường cao tốc (theo TCVN 5729:2012). Chiều rộng mặt đường là 17m được chia thành 4 làn đường 3,5m; 2 lề đường, mỗi lề 0,75m và 1,5m dải phân cách.

Tổng mức đầu tư dự án được tính toán dựa theo báo cáo nghiên cứu khả thi được thẩm định năm 2011 là khoảng 194,55 triệu USD, tức là gần 4.524,54 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn của Chính phủ Việt Nam là 695,54 tỷ đồng, tương đương 29,91 triệu USD cho các hạng mục: chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, thuế giá trị gia tăng (thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công; phần chi phí xây lắp, thiết bị và chi phí dự phòng), chi phí khác và dự phòng.

164,64 triệu USD còn lại là vốn vay không có điều kiện ràng buộc từ EDCF (Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc) thông qua Korea Eximbank. Lãi suất vay 1,5%/năm tính trên dư nợ; thời gian vay 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn; phí rút vốn 0,1%/khoản rút vốn. Số tiền này phục vụ cho các hạng mục: Chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật giám sát; chi phí dự phòng.

Thời gian thực hiện dự án tính từ thời điểm hiệp định vay có hiệu lực, dự kiến khoảng 4 năm từ năm 2021 đến năm 2024.

Các chuyên gia đánh giá, dự án Mỹ An – Cao Lãnh là mắt xích quan trọng, có vai trò liên kết, phát huy hiệu quả của các dự án đã và đang được hình thành trong vùng (như dự án tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống; dự án tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi; dự án Cầu Cao Lãnh, dự án cầu Vàm Cống…); kết nối các tuyến đường theo cả trục dọc và trục ngang trong khu vực; tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội giữa thành phố với các khu vực lân cận; đảm bảo an ninh – quốc phòng; rút ngắn được quãng đường và thời gian khi di chuyển từ các tỉnh miền Đông nam bộ và Tây Nguyên đến khu vực ĐBSCL mà không phải đi qua trung tâm TP.HCM (giải tỏa áp lực giao thông trên Quốc lộ 1 hiện nay)

(Tổng hợp bởi odt.vn)