Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Ông Nguyễn Văn Thể vừa đồng ý lập dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành từ 8 làn xe lên 10 làn xe.

Cao tốc TP.HCM – Long Thành sắp được mở rộng lên 10 làn xe

Mở rộng từ nút giao An Phú đến Long Thành

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty Cửu Long nhanh chóng lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Yêu cầu, trong quý IV.2020, công ty phải trình Bộ xem xét, để đưa dự án vào kế hoạch trung hạn từ 2021 - 2025.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2030, nghiên cứu mở rộng quy mô từ 8 làn đến 10 làn xe đối với nút giao An Phú, TP.HCM đến thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đoạn còn lại là Long Thành - Dầu Giây sẽ không điều chỉnh, giữ nguyên quy mô 4 làn xe. Ông Nguyễn Văn Thể yêu cầu, trong báo cáo nghiên cứu phải chỉ rõ quy mô cũng như trách nhiệm đầu tư tại các nút giao An Phú, Quốc lộ 51, đường Vành đai 2, đường Vành đai 3.

Về giải pháp căn cơ lâu dài, giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Đồng Nai, TP.HCM và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong trường hợp không cho phép mở rộng quỹ đất, cần nghiên cứu phương án quy hoạch đường trên cao.

Đối với đường sắt nhẹ qua sân bay quốc tế Long Thành, giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, chỉ đạo, tham mưu Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu, làm rõ tính cấp thiết của việc hình thành tuyến đường sắt này trong quy hoạch tổng thể mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, nghiên cứu phương án bố trí bến xe trung chuyển khu sân bay Long Thành để đảm bảo giao thông đồng bộ, tránh ùn tắc sau này.

Trước đó, để giải quyết tình trạng kẹt xe thường xuyên trên tuyến đường Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai đã gửi văn bản tới Bộ Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị mở rộng tuyến đường. Sau đó, Bộ giao Tổng công ty Cửu Long khảo sát, nghiên cứu để đề xuất phương án.

Theo đó, đơn vị đề xuất mở rộng quy mô đường 4 làn xe lên 8 làn xe, chiều rộng nền đường từ 36m lên 42m đối với đoạn cao tốc từ Km0 tại phường An Phú (quận 2, TP.HCM) tới Km24+558 tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án là 9.853 tỷ đồng, được lấy từ ngân sách Nhà nước. Trong đó chi phí xây dựng là 7.005 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 900 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, Dự án có thể tiến hành nhượng quyền khai thác hay bán quyền thu phí để thu hồi lại vốn đầu tư.

Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện hữu đã quá tải sau 5 năm hoạt động. Theo số liệu của Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, mức tăng lưu lượng xe bình quân là gần 10%/năm. Nếu năm 2015 chỉ có khoảng 10 triệu lượt xe lưu thông thì đến năm 2019 đã tăng 16,5 triệu lượt.

Hiện tại, mỗi ngày cao tốc phục vụ khoảng 52.000 lượt xe, trong khi định mức thiết kế chỉ là 44.000. Trong tương lai thực trạng này có thể còn tồi tệ hơn khi sân bay quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác.

(Tổng hợp bởi odt.vn)