Do quy định dự án nhà ở phải có 100% đất ở mà trong vòng 5 năm nay có hàng trăm dự án nhà ở hỗn hợp phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã bị ách tắc, không thể hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng.

Quy định bất cập khiến hàng trăm dự án nhà ở hỗn hợp lâm vào thế bí

Bài toán khó

Nêu thực trạng ách tắc khi thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết rất nhiều chủ đầu tư không thể hoàn thành được các thủ tục đầu tư xây dựng do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nguồn gốc là các dự án nhà ở hỗn hợp gồm: Đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp. Bởi theo quy định của pháp luật, dự án nhà ở phải có 100% đất ở mới được chỉ định chủ đầu tư.

Đánh giá về việc này, ông Châu cho rằng: “Dự án nhà ở thường có quỹ đất hỗn hợp, phổ biến thường có khoảng 10% đất ở, 80% đất nông nghiệp và 10% đất rạch, đường, bờ đất, kênh mương nội đồng do Nhà nước quản lý. Ngay cả dự án nhà ở trong quận nội thành, có xen cài đường hẻm thì cũng không thể đạt chuẩn 100% đất ở. Quy định này gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư”.

Được biết thời gian gần đây, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều thông tư, nghị định nhằm gỡ khó cho người dân và DN. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các luật liên quan vẫn còn chồng chéo một số bất cập, dẫn đến khó khăn cho nhà đầu tư. Do đó các chuyên gia cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung các điều, khoản trong Luật cho phù hợp với điều kiện thực tế, đó mới là cái gốc của vấn đề.

Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Văn Học – Hội Luật gia Việt Nam nêu quan điểm: “Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quy định: Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất do nhận chuyển quyền sử dụng đất sẽ được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu. Nếu được thông qua, đây sẽ là sửa đổi quan trọng để giải quyết vấn đề liên quan đến quy định về “đất ở” tại các dự án”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi – ông Đặng Hùng Võ thì cho rằng để thoát khỏi tình trạng xung đột về khoảng trống trong luật hiện nay, khi cùng một vấn đề mà các văn bản luật quy định khác nhau, thì văn bản đúng nội dung chuyên ngành có thể xem là đúng nhất để thực thi.

(Tổng hợp bởi odt.vn)