Mặt bằng cho thuê bỏ trống khá nhiều tuy nhiên ghi nhận trên thị trường cho thấy các chủ sở hữu nhà mặt tiền không có dấu hiệu chịu hạ giá chào cho thuê. Điều này vô tình khiến cho thị trường bất động sản cho thuê đã khó lại càng thêm khó hơn trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động từ đại dịch Covid – 19.
Số lượng chào thuê tăng mạnh
Theo báo cáo của công ty Savills Việt Nam cho thấy trong 10 tháng vừa qua, lượng bất động sản cho thuê đã tăng đáng kể so với năm 2019. Trái ngược lại với tốc độ gia tăng số lượng bất động sản cho thuê đó là khả năng hấp thụ của thị trường, hiện tại số lượng mặt bằng trống còn rất lớn. Quan sát nhanh trên thị trường bất động sản TP.HCM và Hà Nội là 2 nơi có mức độ sôi nổi nhất của thị trường cho thuê cho thấy hầu hết trên các tuyến phố lớn đều có rất nhiều mặt bằng trống chào thuê. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường cho thuê đang phải đối mặt với giai đoạn thách thức nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Nguyên nhân cho sự bế tắc của thị trường phần lớn là do tác động cảu đại dịch, khiến cho tình hình kinh doanh và thương mại đối mặt với nhiều khó khăn, dẫn tới các doanh nghiệp và người thuê nhà đều cắt giảm bớt chi phí, thu nhỏ quy mô kinh doanh. Với những mặt bằng nằm trên các tuyến phố du lịch thì hầu hết đều gặp tình trạng khó khăn do lượng khách quốc tế chưa quay trở lại.
Tại những vị trí này dù cho chủ nhà có thiện chí giảm giá thuê thì bên thuê cũng kiên quyết trả lại mặt bằng do không thể kinh doanh được trong bối cảnh hiện nay. Ngược lại, một số chủ nhà cũng kiên quyết không giảm giá chào thuê dù cho có để trống mặt bằng. Lý do là bởi nhiều người cho rằng chính họ cũng đang phải chịu áp lực tài chính khá lớn, bên cạnh đó họ cũng kỳ vọng vào xu hướng hồi phục của nền kinh tế trong thời gian tới bởi hiện nay Việt Nam đang kiểm soát khá tốt đại dịch.
Trong khoảng thời cuối năm, nguồn cung cho thuê có xu hướng tăng thêm khá nhiều ở khu vực ngoài trung tâm với hơn 50.000m2 diện tích sàn (7 dự án mới). Thị phần bán lẻ của các nhãn hàng lớn cũng có xu hướng dịch chuyển ra các khu vực xa hoặc những nơi có mật độ cư dân đang ngày càng tăng lên. Trong khi đó tại trung tâm, các thương hiệu lớn hoặc các nhà kinh doanh bán lẻ có xu hướng thu hẹp quy mô lẫn diện tích để cắt giảm chi phí hoạt động. Đối với những mặt bằng kinh doanh thiếu hiệu quả, thời gian tới sẽ gặp áp lực trả lại mặt bằng rất cao, đặc biệt đối với những ngành kinh doanh phụ thuộc nhiều vào lưu lượng khách như thời trang, ẩm thực – đồ uống hay ngành kinh doanh khách sạn, lưu trú.
(Tổng hợp bởi odt.vn)