So với những lần bùng phát dịch trước tại Việt Nam, đợt dịch lần này đang gây tác động tiêu cực nhất lên thị trường bất động sản, đặc biệt là tại phân khúc nhà đất thổ cư và nhà phố tại TP.HCM.

Nhà liền thổ sụt giảm giao dịch trầm trọng do dịch bệnh

Nhà liền thổ đang chịu lép vế

Theo thống kê từ các đơn vị môi giới bất động sản chuyên nghiệp cho thấy, trong mấy tháng gần đây kể từ khi dịch Covid–19 bùng phát, lượng giao dịch nhà đất thổ cưnhà phố tại TP.HCM đã sụt giảm tới gần 50%. Con số trên vẫn chưa phản ánh hết thực trạng ảm đạm trên thị trường bất động sản TP.HCM bởi từ khi thành phố thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 và 16 tăng cường, gần như các hoạt động giao dịch đã bị tê liệt hoàn toàn. Theo nhận định, thị trường đang chịu tác động nặng nề nhất kể từ khi đại dịch Covid – 19 xuất hiện vào đầu năm 2020.

So với các phân khúc khác, nhà đất thổ cư và nhà phố có đặc thù riêng, giá thành cao và nhu cầu không lớn. Trong những năm gần đây, phân khúc này có phần thất thế so với căn hộ chung cư bởi người mua mới trên thị trường phần đông là giới trẻ và trung niên. Những người này có xu hướng thích ở chung cư hơn là nhà đất thổ cư trong ngõ, trong khi đó giá nhà phố riêng lẻ lại khá cao vượt quá nhu cầu của họ.

Thời gian qua, tình hình kinh doanh có nhiều bấp bênh khiến cho nhà mặt phố chịu “tác động kép”, vừa bị giảm sức hút do khó cho thuê, vừa khó giao dịch do giá trị lớn. Trong khi đó, bất chấp đại dịch xảy ra các dự án căn hộ vẫn có đội ngũ bán hàng được đào tạo bài bản và cách tiếp cận khách hàng của họ cũng đa dạng hơn. Họ quảng bá online mạnh hơn hẳn các phân khúc bất động sản truyền thống, họ cũng biết cách tận dụng lợi thế từ nhiều kênh như mạng xã hội, tư vấn qua điện thoại... chính vì vậy mặc dù cũng chịu tác động từ đại dịch nhưng họ vẫn bán được hàng.

Số liệu từ các giao dịch trên thị trường thời gian qua cho thấy sự sụt giảm nhiều nhất trong phân khúc nhà liền thổ là những bất động sản có mức giá trên 10 tỷ đồng với mức sụt giảm trên 50%, đối với bất động sản có giá từ 3 -7 tỷ đồng mức giảm là 30%, trong khi đó bất động sản có giá dưới 3 tỷ đồng chịu tác động giảm nhẹ nhất chỉ 10%.

Nhìn lại quá khứ, khi dịch Covid–19 mới xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 3/2020, sự sụt giảm số lượng giao dịch trên toàn thị trường TP.HCM cũng chỉ rơi vào mức dưới 30%. Trong đó bất động sản có giá trên 10 tỷ giảm thanh khoản mạnh nhất với mức gần 45%, trong khi đó nhà phố có giá từ 5 – 7 tỷ đồng chỉ giảm 16% so với trước, phân khúc dưới 3 tỷ gần như không bị ảnh hưởng.

Trong đợt lần thứ 2 bùng phát Covid–19 vào khoảng tháng 7 - 8/2020, tâm dịch lúc này tại Đà Nẵng, đà rơi của thị trường không quá lớn với mức thanh khoản chung sụt giảm chỉ khoảng trên dưới 2%. Tác động của đợt dịch này khá nhỏ do quy mô dịch chỉ mang tính cục bộ tại Đà Nẵng mà không lan ra các tỉnh khác. Thời điểm đó thị trường ghi nhận có sự phân hóa mạnh khi lượng giao dịch nhà phố có giá trên 10 tỷ đồng giảm khoảng 28%, nhà có giá từ 7 – 10 tỷ giảm khoảng 20% còn nhà có giá dưới 3 tỷ và từ 5 -7 tỷ lại có mức độ thanh khoản tăng so với trước lần lượt từ 5 – 15%.

Lần dịch thứ 3 cũng là lần gần đây nhất rơi vào tháng 1/2021, do quy mô dịch không lớn nên mức độ thanh khoản cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Đặc biệt, trong thời điểm này cơn sốt đất diễn ra từ cuối năm 2020 vẫn đang diễn ra, do đó thanh khoản vẫn dồi dào.

Trải qua đợt dịch thứ 4, tâm lý của người mua trên thị trường đang trở nên thận trọng hơn bao giờ hết. Các quận trung tâm thành phố đang ghi nhận mức độ giảm thanh khoản mạnh nhất do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch. Xu hướng “sợ dịch” khiến cho nhu cầu mua nhà ở các khu vực có mật độ dân thưa hơn tăng lên, điều này cũng góp phần làm giảm lượng giao dịch nhà thổ cư ở trung tâm. Theo các chuyên gia, xu hướng này có tiếp diễn trong tương lai hay không còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid–19 tại Việt Nam và trên thế giới, nhưng sẽ khó thay đổi ít nhất là trong nửa cuối năm 2021.