Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do đại dịch gây ra khiến cho phần lớn các sàn môi giới phải ngừng hoạt động, các doanh nghiệp đang cầm cự cần lên kịch bản để có thể phát triển sau khi dịch được kiểm soát.

Áp lực bủa vây sàn môi giới và doanh nghiệp bất động sản

Phần lớn doanh nghiệp phải giảm nhân sự

Tại buổi tọa đàm do Hội môi giới bất động sản Việt Nam mới tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp trong bối cảnh nhiều sàn giao dịch đã phải ngừng hoạt động. Theo một giám đốc điều hành công ty bất động sản có tiếng cho biết, doanh nghiệp này đã phải điều chỉnh lương và cắt giảm bớt nhân sự để duy trì hoạt động. Đợt dịch lần này quá dài đã khiến cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gần như “đóng băng”, do đó không thể đủ tài chính để duy trì cỗ máy như trước khi dịch xảy ra.

Ông cũng cho biết hiện trên thị trường, trên 70% số lượng doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và kết hợp với các biện pháp như giảm lương, giảm giờ làm, làm việc luân phiên và thậm chí cắt giảm bớt nhân sự. Trong số này không ít doanh nghiệp dù đã rất cố gắng và áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn không trụ được, buộc phải ngừng hoạt động tạm thời hoặc vĩnh viễn. Số ít doanh nghiệp thuộc 30% còn lại vẫn có thể duy trì hoạt động tương đối ổn định và không có quá nhiều thay đổi về nhân sự.

Kể từ đầu tháng 6 cho tới nay, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản gần như đều sụt giảm rất mạnh do các tác động tiêu cực từ đợt dịch thứ 4. Mức độ sụt giảm từ 30 – 90%, chỉ có rất ít doanh nghiệp đạt mức doanh thu tương đương so với trước khi đại dịch xảy ra. Ngoài doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các kế hoạch kinh doanh cũng đều phải thay đổi, từ kế hoạch kinh doanh ngắn hạn cho tới dài hạn đều phải có sự điều chỉnh lại cho phù hợp với diễn biến kinh tế xã hội.

Mọi hoạt động đều diễn ra cầm chừng

Hiện nay, các tỉnh phía Nam đặc biệt là TP.HCM đang thực hiện các biện pháp giãn cách ở mức độ cao nhất, chính vì vậy các doanh nghiệp không thiết yếu buộc phải dừng hoạt động. Các doanh nghiệp môi giới bất động sản gần như phải chuyển sang chế độ làm việc online, điều này cũng khiến cho việc tìm kiếm nguồn khách mới bị ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ vậy, việc các cơ quan nhà nước liên quan tới thủ tục đất đai như phòng công chứng, chi cục thuế, tài nguyên môi trường đều hoạt động cầm chừng khiến cho các giao dịch gần như đóng băng lại chờ qua dịch.

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây tứ phía như vậy, chi phí để duy trì hoạt động đối với doanh nghiệp môi giới bất động sản thực sự là gánh nặng không dễ giải quyết. Các hoạt động kinh doanh đình trệ, nhưng chi phí trả lương nhân viên cho tới chi phí thuê mặt bằng, thậm chí lãi vay ngân hàng vẫn phải chi trả đầy đủ.

Bên cạnh đó, việc các chủ đầu tư dự án không bán được hàng khiến cho việc thu hồi công nợ của các đơn vị môi giới cũng bị ảnh hưởng. Việc dòng tiền bỗng nhiên bị đóng băng lại do dịch bệnh khiến cho nhiều đơn vị không thể xoay sở nổi, buộc phải ngừng hoạt động. Với các công ty vẫn đang hoạt động cầm chừng thì cũng khó có thể hỗ trợ cho nhân viên bán hàng trong nghiệp vụ quảng cáo sản phẩm, điều này vô tình khiến cho việc tiếp cận khách hàng đã khó nay lại càng khó hơn. Các nhân viên sale cũng không thể trụ lại do không có lương để chi trả sinh hoạt khiến họ buộc phải đi tìm công việc khác.

Theo các chuyên gia, sau đợt dịch lần này có lẽ chúng ta sẽ phải chứng kiến rất nhiều sàn môi giới rời bỏ cuộc chơi. Đa số trong đó là các sàn có quy mô nhỏ, chưa có chiến lược kinh doanh bền vững và dự phòng rủi ro. Do đó, đợt dịch này cũng được coi là một phép thử hay một cuộc thanh lọc, những doanh nghiệp trụ lại được qua cơn bão sẽ phát triển mạnh hơn do thị phần sau dịch sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải lên sẵn các kế hoạch chi tiết để ứng phó với các kịch bản thị trường trong ngắn, trung và dài hạn.