Xu hướng “bỏ phố, về quê” đang ngày một thịnh hành hơn, không chỉ có những người trung niên mà ngay cả những người trẻ cũng đang gia nhập xu thế này. Tuy nhiên, cũng không ít người mặc dù sở hữu những lô đất rộng hàng nghìn mét, lại sẵn phương tiện ô tô để đi lại nhưng lại chọn cách đứng ngoài “cuộc chơi”.
Đại dịch Covid-19 đẩy nhanh xu thế “bỏ phố về quê”
Nhìn bạn bè đồng nghiệp rủ nhau người thì về quê sắm mảnh vườn rộng để trồng rau nuôi gà, người lại lên rừng làm farmstay với những khung cảnh nên thơ, chị Mai Phương (39 tuổi, Hà Nội) cũng hào hứng rủ ông xã lên kế hoạch để “nghỉ hưu non”. Trong khi đại dịch đang hoành hành ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở những khu vực đô thị có mật độ dân số cao, thì dường như những con người và mảnh đất nơi những vùng quê lại khá yên ổn và trở thành nơi “tránh trú” cho không ít người trong thời gian giãn cách xã hội.
Trong số bạn bè của chị Phương, có không ít người đã tậu cho mình “ngôi nhà thứ 2” tại những vùng quê, nơi đất và thiên nhiên còn rất gần gũi với con người. Họ chọn cách sống xa rời phố thị, không chỉ trong ngày một ngày hai, mà là về hẳn, làm những người “nông dân” chính hiệu với lối sống có phần chậm rãi và thư thả.
Chị Mai Phương chia sẻ, sau nhiều năm lăn lộn ở Hà Nội, hai vợ chồng chị giờ cũng đã cảm thấy không còn quá hứng thú với nhịp sống ồn ào và bon chen nơi phố thị. Lối sống của cả hai vợ chồng đều hướng nội vì vậy không có quá nhiều yêu cầu cho mua sắm và giải trí. Chính vì vậy, hai vợ chồng quyết tâm lần này theo chân bạn bè, bỏ phố về quê để sinh sống. Do hai con của chị vẫn còn đang trong độ tuổi đi học, cho nên việc bỏ phố cũng sẽ gây ra một số bất tiện, tuy nhiên sau khi suy nghĩ kĩ về định hướng học tập của con cũng như lựa chọn được địa điểm vẫn đảm bảo môi trường giáo dục đủ tốt, chị cùng chồng đều thống nhất sẽ cùng cả nhà đi theo con đường mới. Thay vì chọn những vùng quê khá hẻo lánh, hai vợ chồng chị Phương đã chọn mua một mảnh đất nền rộng rồi xây nhà ở khu vực gần trung tâm của một tỉnh lẻ, do vậy vẫn đảm bảo được cuộc sống thư thái, nhẹ nhàng ít áp lực mà vẫn đảm bảo được về các tiện ích cũng như giáo dục cho con của chị.
Trào lưu “bỏ phố về quê” đang mạnh hơn bao giờ hết
Trong báo cáo mới đây của các Công ty bất động sản cho thấy xu hướng bỏ phố về quê đang ngày một mạnh hơn, đặc biệt không chỉ còn gói gọn trong giới nhà giàu, trung lưu hay những người có tuổi như trước đây mà đã mở rộng sang cả những người trẻ đang trong độ tuổi lao động. Nhiều người trong số này có công việc tốt và thu nhập cao, nhưng vẫn quyết định rời xa khỏi các đô thị lớn.
Nguyên nhân được các chuyên gia cho rằng là bởi tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang có dấu hiệu quá tải về mật độ dân số, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của một số bộ phận người dân. Mật độ dân số cao gây lên hàng loạt các vấn đề như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí và tiếng ồn, áp lực lên hạ tầng giao thông, quá tải y tế... Trong quá trình tập trung và hiện đại hóa đô thị, các vấn đề trên không dễ để có thể giải quyết trong một thời gian ngắn, bởi vậy có không ít người lựa chọn việc rời bỏ thành phố để tìm những nơi phù hợp hơn với lối sống và tính cách của mình.
Các chuyên gia nhận định trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, cộng với biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang ngày một mạnh hơn, xu thế rời xa phố thị không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Các báo cáo ghi nhận bất động sản ngoại ô và tỉnh lẻ ở các nước phát triển đang là phân khúc được săn lùng ráo riết nhất trong thời gian vừa qua. Tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định làn sóng bỏ phố về quê sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn sau dịch, không chỉ bởi số người đã rời bỏ thành phố bởi đại dịch sẽ không còn quay trở lại nữa. Điều này sẽ khiến cho xu hướng phát triển bất động sản riêng lẻ ở các tỉnh sẽ phát triển hơn trong thập kỷ tới.