Việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng hoá Việt Nam không chỉ tác động sâu sắc đến kinh tế Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp và dân sinh. Nhưng vấn đề là thị trường bất động sản sẽ đi theo xu hướng nào?
Sáng 3/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng sẽ áp dụng với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức thuế cao nhất là 46%.
Mức thuế này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, mà nhiều chuyên gia nhận định, nó sẽ gây một số tác động lớn đến thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp và dân sinh.
Theo đó, việc áp mức thuế 46% lên hàng hoá Việt Nam sẽ khiến các nhà đầu tư lớn giảm hoặc tạm hoãn kế hoạch mở rộng nhà máy tại Việt Nam do chi phí xuất khẩu sang Mỹ tăng cao. Và điều này dẫn đến nhu cầu thuê đất, nhà xưởng tại các khu công nghiệp trọng điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Long An,... sẽ bị giảm xuống. Từ đó, giá thuê có thể sẽ chững lại hoặc điều chỉnh giảm. Các khu công nghiệp đang triển khai có nguy cơ bị trì hoãn kế hoạch.
Không chỉ bất động sản công nghiệp bị ảnh hưởng, mà cả phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân cũng đối mặt với khó khăn thanh khoản. Nhiều lao động tại các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử bị đối mặt với tình trạng thất nghiệp hoặc giảm thu nhập do doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, khả năng mua nhà ở thực sẽ bị suy yếu, đặc biệt ở các đô thị vệ tinh và các vùng công nghiệp.
Dòng vốn FDI giảm cũng khiến nhóm khách hàng là chuyên gia nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản mua và thuê bất động sản cao cấp tại Việt Nam giảm theo.
Sự dịch chuyển tiêu thụ về nội địa và biến động chi phí đầu vào sẽ khiến giá thép trong nước có nguy cơ tăng, khó đoán trong quý II/2025. Giá thép tăng kéo theo chi phí xây dựng tăng, khiến các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải cân nhắc lại cơ cấu giá bán và tiến độ cùng kế hoạch bán hàng có thể bị điều chỉnh lại.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam “Giá nhà tại TP.HCM và Hà Nội vốn đã cao, nếu vật liệu tiếp tục tăng, người mua sẽ càng khó tiếp cận nhà ở, nhất là phân khúc trung cấp".
Mặc dù tâm lý thị trường bất động sản có thể rơi vào trạng thái "chờ đợi", nhưng theo các chuyên gia, mức độ ảnh hưởng sẽ còn phụ thuộc nhiều vào khả năng ứng phó của Việt Nam và diễn biến chính của chính sách thương mại toàn cầu trong thời gian tới.
Trong một kịch bản lạc quan, Việt Nam vẫn có thể kiểm soát tốt tình hình và duy trì đà phát triển như trong quý I/2025. Kết hợp với chính sách điều hành của Chính phủ và thành quả kinh tế đạt được trong thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có cơ hội tăng trưởng ổn định.
Trong bối cảnh này, bất động sản cao cấp và khu công nghiệp vẫn bị ảnh hưởng do sức mua và nhu cầu giảm. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở xã hội có thể sẽ duy trì ổn định, nếu Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án này để đảm bảo nguồn cung nhà ở cho người dân.