Những trường hợp chuyển nhượng đất đai nào vi phạm pháp luật? Dưới đây là 4 trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện chuyển nhượng đất đai theo quy định của pháp luật mà người mua và người bạn cần phải lưu tâm.

Muốn không phạm pháp khi chuyển nhượng đất đai, lưu ý 4 điều sau

Trường hợp 1: Không đáp ứng đủ điều kiện chuyển nhượng

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, thửa đất được chuyển nhượng quyền sử dụng phải đáp ứng đầy đủ 4 điều kiện dưới đây mới được phép chuyển nhượng, sang tên đổi chủ.

  • Đất phải có Giấy chứng nhận (sổ đỏ);
  • Đất không có tranh chấp
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  • Đất trong thời hạn sử dụng

Nếu không có đủ 4 điều  kiện trên, các cơ quan chức năng sẽ không thể tiến hành sang tên sổ đỏ. Trong trường hợp người mua và người bán cố tình tiến hành giao dịch là đã vi phạm quy định pháp luật.

Trường hợp 2: Chuyển nhượng đất không cần sổ đỏ

Điều kiện bắt buộc để người sở hữu đất thực hiện quyền chuyển nhượng cho một người khác là thửa đất đấy phải có sổ đỏ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện hành quy định đất vẫn có thể chuyển nhượng không cần sổ đỏ trong 2 trường hợp sau:

  • Trong trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất, người sử dụng đất có thể chuyển nhượng khi đã có sổ đỏ hoặc có đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ.
  • Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì người nhận thừa kế không được cấp sổ đỏ nhưng được quyền chuyển nhượng, tặng cho.

Trường hợp 3: Chuyển nhượng đất nông nghiệp không đủ điều kiện

Căn cứ Điều 193 Luật Đất đai năm 2013, những cá nhân, hộ gia đình, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện những dự án kinh doanh hoặc sản xuất phi nông nghiệp khi không đáp ứng được các điều kiện dưới đây:

  • Có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án;
  • Mục đích sử dụng đối với diện tích đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp 4: Các trường hợp khác

Ngoài 3 trường hợp nêu trên, căn cứ vào Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 thì những trường hợp dưới đây cũng không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất. Cụ thể:

  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
  • Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
  • Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
  • Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

 (Nguồn Tổng hợp)