Tấc đất tấc vàng nên nếu giải quyết tranh chấp đất đai không hợp lý có thể dẫn đến sai phạm về mặt hình sự. Cũng chính bởi vì nguyên nhân này mà khi thực hiện các giao dịch như mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, cấp sổ… bắt buộc phải có xác nhận không tranh chấp tài sản. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu mẫu giấy cam kết đất đai và những câu hỏi thường gặp.

Mẫu giấy cam kết đất đai chuẩn và những câu hỏi thường gặp

1. Mẫu giấy cam kết đất đai là gì?

Giấy cam kết đất đai là văn bản cam kết việc sử dụng đất, nhà cửa không có tranh chấp về quyền sử dụng, ranh giới, mục đích sử dụng với cá nhân hoặc tổ chức khác. Chính vì vậy, khi thực hiện các hoạt động pháp lý liên quan đến đất đai như mua bán, chuyển đổi, chuyển quyền sử dụng… đều yêu cầu mọi người phải viết giấy cam kết và có xác nhận của cấp chính quyền.

Theo đó, người có nhu cầu nộp giấy cam kết đất đai tại Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có đất. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, người nộp sẽ nhận được giấy hẹn trả kết quả thẩm định.

2. Có cần giấy cam kết đất đai khi sang tên đổi chủ không?

Căn cứ theo Điều 188, Luật Đất đai 2013 sửa đổi bổ sung 2018, người sử dụng được phép thực hiện các giao dịch : chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, cho thuê, thế chấp, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đáp ứng được các điều kiện:

  • Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (trừ trường hợp tại khoản 3 Điều 186 và khoản 1 Điều 168)
  • Còn thời hạn sử dụng đất
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án
  • Đất không có tranh chấp

Như vậy, giấy cam kết đất đai để xác nhận tài sản không tranh chấp khi sang tên đổi chủ là bắt buộc. Nó đảm bảo quá trình sử dụng đất sau này không có bất kỳ xung đột nào với các chủ thể khác. Đồng thời, giữ được chữ tín cho người mua và người bán cũng an tâm hơn.

3. Hướng dẫn cách viết giấy cam kết đất đai

Nội dung trong giấy cam kết đất đai phải thể hiện rõ đối tượng sở hữu mảnh đất, vị trí khu đất, hiện trạng thực tế, diện tích, nguồn gốc, thời hạn sử dụng và cam kết của người viết là không có bất kỳ tranh chấp nào cho đến thời điểm làm đơn. Cụ thể, cấu trúc của mẫu giấy cam kết đất đai như sau

  • Quốc hiệu, tiêu ngữ: Đây là nội dung bắt buộc phải có trong mọi văn bản pháp lý, giấy tờ hành chính ở Việt Nam. Trong đó, Quốc huy, tiêu ngữ nằm ngay đầu trang giấy, được căn giữa dòng.
  • Tên của mẫu đơn: GIẤY CAM KẾT ĐẤT ĐAI KHÔNG CÓ TRANH CHẤP
  • Thông tin của người làm đơn: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, địa chỉ thường trú, số điện thoại…
  • Thông tin thửa đất: Địa chỉ thửa đất, số thứ tự thửa đất, thuộc tờ bản đồ bao nhiêu, diện tích sử dụng, mục đích sử dụng, hiện trạng sử dụng, thời hạn sử dụng, nguồn gốc (giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất…)
  • Lý do viết đơn: Mục đích khi xin giấy cam kết là làm việc gì? Chẳng hạn như xin phép xây dựng, chuyển nhượng cho người khác, tách thửa…
  • Cam kết: Cam kết những nội dung đã khai hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Để thuận tiện cho quá trình xác nhận của cơ quan chức năng, người làm đơn cần ghi đầy đủ các tài liệu, giấy tờ chứng minh kèm theo hồ sơ gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; chứng minh nhân dân, căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Giấy ủy quyền (trường hợp được ủy quyền).

4. Giấy cam kết đất đai thế nào là hợp pháp?

Pháp luật hiện hành quy định, giấy cam kết đất đai được coi là hợp pháp khi có dấu chứng thực và chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện tổ chức được cấp phép hành nghề công chứng.

Cụ thể hơn, Khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP đã quy định chi tiết về thẩm quyền công chứng, chứng thực chữ ký của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Chi tiết như sau

  • Công chứng sao y bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;
  • Công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
  • Công chứng hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;
  • Công chứng di chúc;
  • Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;
  • Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản; văn bản thỏa thuận phân chia di sản

Đó là toàn bộ câu trả lời của bất động sản ODT liên quan đến chủ đề Mẫu giấy cam kết đất đai. Hy vọng thông qua bài viết này, độc giả đã có thêm những thông tin hữu ích phục vụ việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất của mình. Hẹn gặp lại mọi người.