Dù không có thật nhưng dự án căn hộ nhà ở xã hội Lê Minh gắn mác Bộ Công an tại quận 12 đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội và một số sàn giao dịch bất động sản.
Quảng bá rầm rộ, tràn lan
UBND phường Tân Thới Nhất vừa phát đi thông báo số 2894/TB-UBND liên quan đến việc mua bán căn hộ chung cư trên đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM. Theo đó, UBND phường có tiếp nhận thông tin về một số sàn giao dịch nhà đất đang tổ chức giới thiệu, rao bán cho khách hàng các căn hộ được cho là thuộc Dự án nhà ở xã hội Lê Minh Bộ Công an. Theo quảng cáo, dự án này nằm trên đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, do Công ty Lê Minh kết hợp với Bộ Công an làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, UBND phường khẳng định không có bất kỳ dự án nào như vậy. Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo, lãnh đạo địa phương thông báo đến người dân sinh sống địa phương và các khu vực lân cận được biết để nâng cao cảnh giác, tránh bị kẻ xấu lừa đảo.
Theo tìm hiểu, dự án căn hộ nhà ở xã hội Lê Minh - Bộ Công an được giới thiệu là khu nhà ở hiện đại dành cho người có thu nhập thấp với hệ thống hạ tầng và tiện ích đồng bộ, hiện đại. Với quy mô 25.787 m2, gồm 4 tòa căn hộ, mỗi tòa cao 15 tầng, dự án được cho là có thể cung cấp 1.540 căn hộ, diện tích 50 - 95m2/căn, mức giá chỉ từ 20 triệu đồng/m2.
Lên tiếng về dự án trên, đại diện Công ty TNHH Lê Minh cho biết, trước đó không lâu đã có văn bản tố cáo gửi đến cơ quan chức năng về việc một số sàn môi giới giả danh công ty để rao bán Dự án căn hộ xã hội Lê Minh - Bộ Công an. Theo doanh nghiệp này, thực chất dự án tại đường Phan Văn Hớn là dự án chung cư Lê Minh – một phần trong khu tái định cư 38ha, đang trong quá trình hoàn tất thủ tục pháp lý và chưa chào bán ra thị trường.
Cần công khai, minh bạch thông tin dự án
Đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn TP.HCM xuất hiện các dự án ma. Trước đó, từng có rất nhiều đối tượng lợi dụng niềm tin và sự thiếu hiểu biết của khách hàng để lừa đảo, thu lợi bất chính.
Điển hình như trường hợp Công ty Bất động sản Phát An Gia đã tự ý vẽ ra 5 dự án, phân lô thành 193 nền đất để ký hợp đồng, chiếm đoạt gần 97 tỷ đồng. Công ty CP Xây dựng địa ốc Bất động sản Thiên Ân cũng sử dụng thủ đoạn tương tự và cho 65 khách hàng ăn “bánh vẽ”. Số tiền đặt cọc thu được không dưới 100 tỉ đồng…
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – ông Lê Hoàng Châu cho biết: Ngay từ năm 2017, Hiệp hội đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng rao bán dự án "ma". Người mua có nhu cầu cần đặc biệt quan tâm đến uy tín thương hiệu của chủ đầu tư; phải kiểm tra thật cẩn thận tính pháp lý của dự án (đầy đủ giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…); dự án có đủ điều kiện huy động vốn hay không, có bị thế chấp hay không.
Để ngăn chặn loại hình kinh doanh trái quy định này trong tương lai, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần minh bạch thông tin dự án lên các phương tiện thông tin đại chúng, đơn vị truyền thông, báo đài. Trường hợp cần thiết, phải treo banner, dựng pano, bảng hiệu cảnh báo khu đất không được phép xây dựng để người dân cảnh giác. Đây cũng là phương pháp mà thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) hay UBND quận 12, quận Bình Tân đã làm.