Giám đốc Bộ Phận Tư Vấn & Giao Dịch - Dịch Vụ Văn Phòng, CBRE Việt Nam – ông Lê Trọng Hiếu nhận định, chưa bao giờ giá chào thuê đất công nghiệp lại “nóng” như trong quý III/2020.
Có nơi tăng 200%
Theo đó, giá thuê trung bình tại nhiều khu công nghiệp lớn ở phía Bắc và phía Nam đã tăng 20 – 30% so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, tại Hà Nội và TP.HCM, con số này lần lượt là 170% và 200%.
Ông Hiếu dẫn chứng, tại TP.HCM giá chào thuê một số khu công nghiệp cách đây 2 - 3 năm không quá 150 USD/m2. Nhưng thời điểm hiện tại đã lên tới 300 USD/m2. Tại Long An, mức giá chào thuê từ 110 USD/m2 lên gần 200 USD/m2. Tỉnh Đồng Nai ghi nhận mức giá tăng từ 100 USD/m2 lên khoảng 155 USD/m2.
Tại khu vực phía Bắc, dù không tăng mạnh như thị trường phía Nam nhưng giá chào thuê vẫn được đánh giá ở mức cao. Chẳng hạn như Hà Nội, giá thuê hiện tại là gần 260 USD/m2 trong khi trước đó là 155 USD/m2. Hay tại Bắc Giang, giá chào thuê cũng tăng gấp đôi, chạm ngưỡng 110 USD/m2.
Tương tự, phân khúc nhà kho xây sẵn có giá chào thuê tăng từ 5 – 10% đối với các dự án mới. Cá biệt, phân khúc nhà xưởng xây sẵn không có biến động về giá chào thuê.
Ông Hiếu cho biết thêm, mức giá chào thuê đất công nghiệp được tính theo kỳ hạn thuê còn lại của dự án và thường dao động từ 30 - 45 năm. Các mức giá mà ông đề cập ở trên chưa bao gồm chi phí quản lý, dịch vụ và thuế VAT.
Nguyên nhân từ mất cân bằng cung cầu
Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, ông Hiếu cho rằng do nhu cầu quá cao nhưng nguồn cung hiện tại đang gặp vấn đề. Kể từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế sau một thời gian dài chống dịch, BĐS công nghiệp phần lớn tập trung vào việc cho thuê đất, nhưng loại hình này trong quý III/2020 có dấu hiệu chững lại.
Theo một cuộc khảo sát của CBRE, trong 1 năm trở lại đây, nguồn cung bất động sản công nghiệp liên tục được gia tăng để đáp ứng nhu cầu ngày một cao từ khách thuê đất, kho bãi, nhà xưởng.
Có thể kể đến một vài lĩnh vực đang mở rộng diện tích thuê như: Thương mại điện tử, đồ công nghệ - điện tử, thức ăn chăn nuôi… Ngoài ra, các nhà đầu tư mới về linh kiện và lắp ráp ô tô cũng dần lộ diện. Những doanh nghiệp này mong muốn tìm kiếm các lô đất lớn để xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất tại khu vực miền Trung.
Vị đại diện của CBRE cho hay, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao. Bởi Chính phủ Việt Nam đang tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đây là một trong những yếu tố hàng đầu để thu hút dòng tiền đầu tư.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tác động từ dịch Covid-19 giúp Việt Nam trở thành điểm đến sáng giá trong kế hoạch dịch chuyển dây chuyền sản xuất, đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các công ty, tập đoàn lớn. Các chính sách ưu đãi đầu tư, các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta sắp gia nhập cũng tạo ra một lực hấp dẫn nhất định trong mắt các nhà đầu tư.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, một vài khu vực mới về đất công nghiệp đã xuất hiện ở phía Bắc như Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định… Còn ở phía Nam, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Thuận đang trên con đường trở thành những thủ phủ công nghiệp mới.
(Tổng hợp bởi odt.vn)