Hỏi: Chị Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết sổ đỏ của gia đình bị cháu trai lấy trộm nhưng rất may là người nhà phát hiện kịp thời. Nhưng nếu không bị phát hiện, người cháu trai có thể thực hiện hành vi cầm cố hay không?
Cầm cố tài sản là gì?
Theo Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015, cầm cố tài sản là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Về bản chất, cầm cố tài sản khác với thế chấp tài sản. Theo Khoản 1 Điều 317 Bộ luật Dân sự, thế chấp tài sản là dùng tài sản sở hữu để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, không giao cho bên nhận thế chấp.
Trong giao dịch dân sự, giao dịch vay với ngân hàng, cầm cố sổ đỏ là người sở hữu đã thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên nhận thế chấp là ngân hàng. Do đó, muốn “cầm cố sổ đỏ”, bên cầm cố hay thế chấp phải giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên nhận thế chấp.
Cầm cố sổ đỏ có bắt buộc phải là chính chủ hay không?
Để trả lời câu hỏi của chị Thảo, cần phải căn cứ vào Khoản 1 Điều 167 Luật đất đai 2013 và Điều 292, Khoản 1 Điều 295, Khoản 1 Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015. Trong đó, quy định người sử dụng đất mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất. Ngoài ra, tài sản đem đi thế chấp phải là tài sản, thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp. Việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ngân hàng phải do chính chủ thực hiện và các loại giấy tờ cần thiết phải thông qua công chứng.
Nếu ngân hàng, cụ thể là giao dịch viên không kiểm tra quyền sở hữu của người thế chấp, không rà soát các giấy tờ có công chứng hay không, giao dịch viên đó đã vi phạm nghiệp vụ ngân hàng.
(Nguồn tổng hợp)