Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản gửi tới Thủ tướng, các Bộ về thực trạng đáng báo động cũng như đề nghị nhanh chóng xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động liên quan đến mô hình “farmstay”.

HoREA lên tiếng cảnh báo mô hình “farmstay”

Tiềm năng nhưng chưa đúng luật

Vài năm trở lại đây, thị trường Việt Nam nở rộ mô hình "farmstay". Nói một cách dễ hiểu đây là nơi khách du lịch lưu trú và trải nghiệm các hoạt động giống với nông thôn. Các chuyên gia nhận định, nếu mô hình “farmstay” nói trên được cấp phép theo quy định của pháp luật thì hoàn toàn bình thường, đóng góp chung cho sự phát triển du lịch địa phương. Nhưng nhiều chủ sử dụng đã xây dựng công trình sai phạm trên đất; tự ý chuyển đổi từ đất nông nghiệp, đất rừng thành đất thương mại, dịch vụ. Điều này là rất nguy hiểm, cần phải xử lý kịp thời.

Đại diện HoREA, Lê Hoàng Châu cho biết thay vì cấm hoàn toàn, chúng ta nên tận dụng nó để phát triển du lịch và bất động sản du lịch bằng cách xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động của nó. Nhưng trước mắt cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng các cá nhân, tổ chức tự ý phân lô đất rừng, đất nông nghiệp để xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch không phép, bán và huy động vốn trái phép các lô farmstay cho nhà đầu tư.

Lý giải nguyên dẫn đến tình trạng phát triển tự phát, HoREA cho rằng các đối tượng đã lợi dụng lỗ hổng trong chính sách pháp luật. Cụ thể, Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai chỉ cho phép tách thửa đối với đất ở đô thị” và “đất ở nông thôn”, không cho phép tách thửa đối với các loại đất khác. Tuy nhiên, Khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP bổ sung vào Điều 43d, Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”. Như vậy, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật lại làm trái quy định của Luật. Nếu vẫn để tình trạng này tiếp diễn sẽ làm gia tăng tình trạng tách thửa đất nông nghiệp, đất rừng, phân lô bán nền… làm phá vỡ quy hoạch chung của cả nước.

HoREA đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 01/2017/NĐ-CP theo quy định tại tại Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai. Trường hợp người sử dụng đất xen kẹt trong khu dân cư nông thôn, điểm đô thị mà có nhu cầu tách thửa làm nhà ở yêu cầu thực hiện đúng trình tự, thủ tục. Đầu tiên là làm đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở rồi sau đó mới được tách thửa đất ở.

Trường hợp các doanh nghiệp, cá nhân muốn chuyển mục đích đất rừng, đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ (kể cả farmstay) phải chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận để đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, còn phải lập “dự án đầu tư” theo quy định của pháp luật về đầu tư, du lịch, kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bổ sung thêm loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới (Farmstay - khu du lịch trải nghiệm nông thôn) vào Điều 48 Luật Du lịch để thống nhất với Quyết định 3720/QĐ-BVHTTDL ngày 28/10/2019 về quy chế quản lý, kinh doanh căn hộ du lịch và biệt thự du lịch.

(Tổng hợp bởi odt.vn)