Phương án kiến trúc cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng, nối huyện Đông Anh với quận Tây Hồ vừa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Mục tiêu của dự án là gia tăng kết nối giao thông 2 bờ sông Hồng, đồng thời tạo nên cú hích cho những khu vực lân cận.

Hà Nội phê duyệt kế hoạch xây dựng cầu Tứ Liên nối huyện Đông Anh với quận Tây Hồ

Dự án cầu Tứ Liên

Dự án cầu Tứ Liên có tổng chiều dài toàn bộ tuyến kết nối lên đến 4,84 km. Khi được hoàn thành và đưa vào khai thác, nó sẽ trở thành cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng và là cây cầu dây văng thứ 2 tại Hà Nội, sau cầu Nhật Tân.

Theo phương án kiến trúc được phê duyệt, cầu Tứ Liên có thiết kế mang hình tượng rồng thiêng bay lên trời. UBND TP. Hà Nội cho biết thêm, cây cầu này sẽ được xây dựng bằng công nghệ tiên tiến bậc nhất Hà Nội nói riêng và trên toàn quốc nói chung.

Vị trí cầu Tứ Liên sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, kết nối trục chính các khu đô thị được quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với Quốc lộ 5 kéo dài. Ngoài ra, dự án còn kết nối trực tiếp khu vực đô thị của huyện Đông Anh với trung tâm thành phố Hà Nội; cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; đường vành đai 3…

Nhằm tạo mạch giao thông hiện đại và thông suốt, các trục đường quy hoạch mới xuống bãi giữa sông Hồng và các trục đường quy hoạch xung quanh cầu Tứ Liên cũng được hình thành.

Theo tìm hiểu của odt.vn, TP. Hà Nội hiện có 6 cây cầu nối phần đô thị phía bên kia sông Hồng với trung tâm thành phố (không tính cầu Trung Hà và cầu Vĩnh Thịnh nằm ở ngoại thành). Cụ thể: Cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, cầu Chương Dương, cầu Long Biên, cầu Thăng Long và sắp tới sẽ có thêm Cầu Tứ Liên nối trung tâm thành phố với huyện Đông Anh, sân bay Nội Bài và các tỉnh thành phía Bắc khác.

Tiềm năng về dài hạn

Các chuyên gia đánh giá, việc xây dựng 7 cầu câu bắc qua sông Hồng nối khu vực nội đô thành phố không chỉ giúp gia tăng kết nối giao thông giữa trung tâm thành phố với khu vực huyện Đông Anh, sân bay Nội Bài, mà còn góp phần giảm ách tắc giao thông, đồng thời hình thành nên cửa ngõ thứ 3 ngoài cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân.

Ngoài ra, các chuyên gia còn nhận định, trong số những cây cầu dự kiến xây mới tại trung tâm thành phố thì cầu Tứ Liên có vai trò quan trọng hơn cả trong việc tạo hướng phát triển mới cho Hà Nội về dài hạn. Trong tương lai gần, các chuyên gia kỳ vọng cao vào vai trò "át chủ bài" của cầu Tứ Liên.

Ngoài ra, cầu Tứ Liên còn giữ vị thế không nhỏ trong việc đáp ứng nhu cầu về giao thông vận tải để xây dựng và hình thành các khu công nghiệp nằm xung quanh 2 bên đầu cầu như: Khu công nghiệp Gia Lâm – Sài Đồng; Bắc Thăng Long – Vân Trì; Đông Anh – Cổ Loa… Đồng thời, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, kết nối giữa trung tâm thành phố với những điểm du lịch tại các tỉnh thành ở khu vực phía Bắc như: hồ Ba Bể (Bắc Kạn), thành Cổ Loa (Đông Anh), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)…

(Tổng hợp bởi odt.vn)