Tại tờ trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt đô thị “tuyến số  5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc”, UBND thành phố Hà Nội dự kiến sẽ huy động 5 nguồn vốn để thực hiện dự án này.

Hà Nội lấy tiền ở đâu để xây dựng tuyến metro số 5

Cân đối từ 5 nguồn vốn

Thành phố đề xuất xây dựng tuyến metro dài 39 km với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 65.404 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công và tiết kiệm chi trong giai đoạn 2021 - 2025 là 15.000 tỷ đồng; từ đấu giá quyền sử dụng đất khoảng 15.000 tỷ đồng; từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp dao động 18.000 - 20.000 tỷ đồng; từ phát hành trái phiếu là 10.000 tỷ đồng; gần 6.900 tỷ đồng còn lại được vay từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Cũng theo tờ trình, kinh phí cho phần xây lắp khoảng 24.800 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 16.900 tỷ đồng; chi phí thiết bị là 16.600 tỷ đồng; chi phí tư vấn, quản lý hơn 6.200 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 811 tỷ đồng.

Với khả năng hiện tại thì thành phố có thể thu xếp toàn bộ vốn đầu tư trong một giai đoạn nên dự án không cần phải phân kỳ. Từ đó, hạ giá thành đầu tư xây dựng gồm các chi phí huy động, quản lý dự án, thuê thiết bị thi công... báo cáo của Hà Nội chỉ rõ.

Hình thức triển khai xây dựng

Để triển khai xây dựng dự án, thành phố Hà Nội kiến nghị áp dụng hình thức đối tác thực hiện (PDP). Theo đó, chủ đầu tư dự án sẽ lựa chọn một nhà thầu duy nhất, đảm bảo đủ điều kiện và năng lực để chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện, từ lúc thiết kế đến khi đưa vào khai thác.

Đây là hình thức mà một số quốc gia áp dụng khá thành công là Malaysia, Anh và Hàn Quốc. Trong đó, Malaysia chỉ mất 6 năm để xây dựng tuyến đường sắt đô thị dài 51 km. Tuy có nhiều ưu điểm nhưng "PDP là hình thức triển khai dự án mới, chưa được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam”, UBND TP Hà Nội cho biết.

Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Ông Trần Ngọc Chính cho hay, việc xây dựng tuyến đường sắt kết nối trục trung tâm từ Hồ Tây tới Láng - Hòa Lạc, khu đô thị vệ tinh lớn nhất và quan trọng nhất thủ đô là cấp thiết.

Ông chia sẻ thêm, về nguyên tắc, càng rút ngắn được thời gian thi công thì chi phí đầu tư càng giảm, đất nước và người dân càng được lợi. Nhưng với kinh nghiệm từ nhiều tuyến đường khác, Hà Nội cần tính toán cẩn thận để việc huy động nguồn lực cũng như thời gian thực hiện tuyến metro số 5 thực tế hơn.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, một chuyên gia giao thông nhận định, đường sắt đô thị là lời giải cho bài toán ách tắc giao thông và hệ số an toàn cao. Song, Hà Nội cần ưu tiên giải quyết những khu vực có lưu lượng giao thông lớn, mật độ dân cư cao rồi sau đó mới tính đến phương án triển khai ra ngoại thành.

Chuyên gia này đánh giá mốc thời gian 5 năm hoàn thành 39 km đường sắt đô thị là chưa có cơ sở. Bởi vì các tuyến metro khác tuy chỉ có chiều dài 10 km nhưng làm đến hơn 1 thập kỷ vẫn chưa xong. Đặc biệt tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hơn 11 lần chậm tiến độ, làm lãng phí Ngân sách Nhà nước và gây bức xúc cho người dân.

(Tổng hợp bởi odt.vn)