Số liệu thống kê của nhiều đơn vị cho thấy, các căn hộ chung cư phân khúc cao cấp, hạng sang tại Hà Nội đang rơi vào tình cảnh ế ẩm. Trong khi phân khúc bình dân lại hấp thu tốt.

Hà Nội: Căn hộ hạng sang ế hàng

Diễn biến trái ngược

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong quý III/2020, số lượng sản phẩm được chào bán trên thị trường bất động sản thành phố đạt 13.300 sản phẩm, chủ yếu là căn hộ chung cư. Trong đó, lượng giao dịch thành công là 2.966 sản phẩm, tương ứng tỷ lệ hấp thụ đạt 22,3%. Tuy nhiên, giữa các phân khúc trong loại hình chung cư lại có sự phân hóa khá rõ rệt.

Cụ thể, phân khúc căn hộ bình dân tiếp tục chiếm tỉ trọng thấp trong cơ cấu nguồn cung. Các sản phẩm mới được tung ra thị trường phần lớn nằm tại những dự án thuộc các huyện vùng ven như Đông Anh, Hà Đông, Gia Lâm… Nhưng không vì thế mà người mua ít quan tâm đến phân khúc này. Thậm chí, tỷ lệ hấp thụ còn duy trì ở ngưỡng cao, khoảng 70%.  Riêng phân khúc cao cấp, nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán ra không đáng kể. Tỷ lệ hấp thụ mà Sở Xây dựng ghi nhận được là 10%.

Còn theo báo cáo của Công ty CBRE Vietnam, số lượng căn hộ chung cư bình dân và trung cấp được bán trong quý III chênh lệch không nhiều, lần lượt là 1.711 căn và 1.792 căn, chiếm tỷ trọng tương ứng là 49% và 51. Như vậy, trong quý III, thị trường Hà Nội không ghi nhận bất kỳ căn hộ cao cấp nào được giao dịch.

Lý giải cho diễn biến trái ngược này, các chuyên gia cho rằng, giá căn hộ cao cấp ít nhất cũng phải 50 triệu đồng/m2 nên chỉ phục vụ cho một lượng rất nhỏ khách hàng nhiều tiền. Trong khi đó, đại đa số người mua nhà lại có thu nhập từ thấp đến trung bình nên tỉ lệ tiêu thụ khác nhau nhiều là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, trong bối cảnh cả nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cả người mua ở thực và nhà đầu tư đều đang hạn chế giao dịch các sản phẩm có giá trị cao. Thay vào đó họ đặt tiền về chế độ chờ, đợi thị trường hồi phục.

Nguy cơ khủng hoảng nguồn cung

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam đánh giá, nguồn cung căn hộ giá rẻ tại TP.HCM đang dần biến mất. Tình trạng tương tự đang có nguy cơ diễn ra tại thị trường Hà Nội. Cụ thể, tính riêng trong quý III/2020, tỷ lệ nguồn cung phân khúc này chỉ chiếm khoảng 10,4% tổng cơ cấu sản phẩm. Ước tính trong 9 tháng đầu năm, mỗi quý chỉ có hơn 2.000 sản phẩm mới. Con số này là quá ít ỏi so với một thị trường lớn nhất nhì tại Việt Nam.

Dự đoán về tương lai ngắn hạn, ông Đính cho rằng, nguồn cung vẫn tiếp tục khan hiếm, nhất là phân khúc bất động sản bình dân, giá dưới 2 tỷ đồng. Nguyên nhân do giới đầu tư Hà Nội vẫn lo ngại dịch bệnh bùng phát nên tính thanh khoản chưa thể cải thiện nhiều. Nhanh nhất là đến quý đầu tiên của năm 2021 thị trường mới có dấu hiệu khởi sắc. Nhưng để chờ được đến lúc đó, một số chủ đầu tư xây dựng có thể sẽ phải tung các chương trình ưu đãi kèm theo gói quà lớn để kích cầu mua sắm.

Xét về trung hạn, nếu thủ tục hành chính và tiến độ cấp phép dự án vẫn còn nhiều vướng mắc như hiện tại thì đến cuối năm 2022, toàn bộ các phân khúc bất động sản tại thủ đô sẽ đối diện với viễn cảnh khủng hoảng nguồn cung, ông Đính cho hay.

(Tổng hợp bởi odt.vn)