Mô hình "cho thuê để sở hữu" nhà ở xã hội đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Với tỷ lệ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thấp như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam nên tham khảo mô hình trên.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khó thành công?
Phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của hàng triệu hộ gia đình cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất, hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng, các gia đình trẻ tách hộ và người dân gắn với quá trình dịch chuyển địa điểm làm việc, nơi công tác. Đồng thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và kích cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, tạo động lực phát triển liên ngành và toàn bộ đời sống KTXH trên cả nước.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội. Thời gian gần đây, Chính phủ đã có những động thái trong việc thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Cụ thể, ngày 31/5/2024, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 250/TB-VPCP, yêu cầu sớm tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.
Hiện lãi suất của gói vay 120.000 tỷ đồng từ 7 - 8,2%, mức lãi suất này chênh lệch không lớn với mức lãi suất thông thường và được đánh giá là hiện vẫn còn cao so với thu nhập và khả năng trả nợ của các đối tượng mua nhà ở xã hội.
Thêm vào đó, đến nay, tỉ lệ giải ngân của gói 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư mới chỉ đạt khoảng 1% dù đã triển khai được 1 năm.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, cả nước hiện có 30 dự án có nhu cầu vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội. Đến nay, các ngân hàng mới giải ngân 640 tỷ đồng cho các dự án và 6 tỷ đồng cho người mua nhà.
Bên cạnh đó, tỷ lệ triển khai nhà ở xã hội tại các tỉnh, thành phố lớn và các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp như TP.HCM, Hà Nội, Long An, Cần Thơ, Đà Nẵng,... vẫn còn thấp so với mục tiêu đề án.
Các chủ đầu tư cho biết, thủ tục vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn phức tạp, khó khăn. Phần lớn các chủ đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện về tín dụng, về dư nợ tín dụng, không có tài sản khác để đảm bảo tín dụng, hay đã vay tại các tổ chức tín dụng khác,...
Để giải quyết những vướng mắc liên quan đến gói vay tín dụng 120.000 tỷ đồng, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn. Đồng thời, thống nhất quy định rõ ràng, công khai, minh bạch về chủ đầu tư đủ điều kiện được hưởng gói vay.
Trong báo cáo tình hình triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp cần có gói tín dụng mới, dự kiến với lãi suất thấp hơn 3% - 5% so với gói vay thương mại.
Mô hình thuê để sở hữu nhà ở xã hội
Ngoài ra, một biện pháp khác để giải quyết nhu cầu về nhà ở cấp bách hiện nay là tham khảo mô hình thuê để sở hữu nhà ở xã hội. Đây cũng là đề xuất của Chuyên gia CBRE (Công ty Đầu tư và Kinh doanh dịch vụ bất động sản thương mại lớn nhất thế giới).
Việt Nam nên tham khảo mô hình thuê để sở hữu nhà ở xã hội
Mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, thay vì chào bán căn hộ cho người mua, mô hình này cho phép người dân có thể thuê với thời hạn từ 1 - 3 năm, trong thoả thuận thuê, có điều khoản được phép mua. Như vậy, trong 3 năm đó, người dân có nhu cầu sẽ có thêm cơ hội để tích luỹ và lựa chọn.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng Giám đốc G Home, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là khó thành công. Một số nước trên thế giới cũng áp dụng các gói hỗ trợ tín dụng cho nhà ở xã hội nhưng mức lãi suất ưu đãi lại thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, tại Pháp, gói vay ưu đãi mua nhà ở xã hội Prêt Logement Accession có mức lãi suất chỉ 0,5% - 2%, thời hạn vay kéo dài tới 15 - 20 năm.