Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng”, nhiều chuyên gia tham dự nhận định, nhà thấp tầng ở khu Đông đang rất hút khách. Giá bán ngày một tăng và dự kiến có thể tăng lên nhiều lần khi quy hoạch sông Hồng hoàn thiện.
Duy trì đà tăng 7%/năm
Giám đốc cấp cao, bộ phận Nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội – bà Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, hạ tầng giao thông, xã hội (trung tâm thương mại, công viên, bệnh viện cao cấp…) tại khu vực phía Đông Hà Nội gồm Gia Lâm, Long Biên đang dần được nâng cấp. Chính vì vậy mà các sản phẩm nhà ở thấp tầng như nhà liền kề hay biệt thự ở đây đang tạo ra sức cạnh tranh lớn với những nơi khác.
Thêm vào đó, xu hướng phổ biến của người mua hiện là lựa chọn những dự án vùng ven, có nhiều công trình xanh, thân thiện, bầu không khí trong lành thay vì sống ở trung tâm thành phố với mật độ dân cư cao. Khu vực phía Đông thủ đô đáp ứng được những tiêu chuẩn này nên nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân là điều dễ hiểu.
Vị đại diện của Savills cho biết thêm, giá nhà thấp tầng tại đây đang ghi nhận mức tăng bình quân là 7%/năm trong 5 năm. Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 2 năm qua nhưng đà tăng vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm. Dự báo, sau dịch bệnh, con số này có thể sẽ tăng thêm theo xu hướng hồi phục của thị trường bất động sản.
Chủ tịch HĐQT Công ty Kinh doanh và phát triển địa ốc Vietstarland – ông Hoàng Đình Khiêm cũng đồng tình với quan điểm này. Hiện nay, quỹ đất để phát triển dự án tại Hà Nội hiện không còn nhiều. Trong khi đó, các yếu tố tác động đến giá bất động sản như thuế, nguyên vật liệu, lạm phát lại không ngừng tăng. Nhìn ra thế giới, các dự án bất động sản trong năm qua đã tăng giá từ 12 – 15%.
Chia sẻ về tình hình kinh doanh khi giãn cách, ông Khiêm cho hay, chỉ trong 10 ngày giãn cách (từ 12/9 đến 22/9) sàn giao dịch Vietstarland của ông đã chứng kiến 17 - 23 căn nhà cao tầng được rao bán thành công mỗi ngày. Riêng với dòng biệt thự là khoảng 2 - 3 căn/ngày.
Vậy nên, sức cầu của khu Đông là rất lớn nhưng vấn đề là nguồn cung đang khá hạn chế. Theo nghiên cứu của Savills, khu vực Gia Lâm, Long Biên đang cung cấp khoảng 8.100 căn biệt thự, nhà liền kề, chiếm tỷ trọng 15% tổng nguồn cung nhà ở thấp tầng tại thị trường Hà Nội. Các sản phẩm này gần như đã được hấp thụ hết. Thời gian tới, nguồn cung sẽ khó được cải thiện khi mà các dự án sắp được mở bán phần lớn là có quy mô nhỏ. Còn những dự án lớn thì vẫn đang ở bước lập quy hoạch.
Với nguồn cung khan hiếm ở khu vực phía Đông như vậy, Savills cho rằng đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các khu dân cư hiện hữu, các dự án sắp được quy hoạch phát triển. Các khu đô thị lớn ở thị trường tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên cũng ít nhiều được hưởng lợi. Cũng theo bà Hằng, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ có tác động tích cực đến thị trường khu vực phía Đông.
Trong bối cảnh hiện giờ, Hà Nội phải đẩy nhanh quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Khi đó diện mạo đô thị và kiến trúc hạ tầng mới có thể thay đổi. Các dự án nhà ở, khu đô thị được xây dựng lên sẽ nằm trong hạ tầng cảnh quan hiện đại gắn liền với quy hoạch ven sông Hồng. Điều này không chỉ tăng sức hấp dẫn cho bất động sản nơi đây còn kéo thêm nhiều khách du lịch, tăng nguồn thu cho thành phố. ông Khiêm nhìn nhận.