Không được giảm chi phí thuê mặt bằng, không được hưởng chính sách cho vay ưu đãi, cạn kiệt quỹ lương… là ba trong số nhiều lý do khiến 28% sàn môi giới bất động sản trên toàn quốc phải giải thể, phá sản.

Gần 30% sàn môi giới bất động sản trên toàn quốc giải thể, phá sản

Hàng loạt sàn giao dịch bất động sản gặp khó

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần thứ tư, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa thực hiện một cuộc khảo sát với 500 sàn giao dịch bất động sản trên toàn quốc - nơi làm việc của 75.000 nhân viên môi giới nhà đất. Kết quả thu được khá bất ngờ khi số sàn giao dịch bất động sản không có doanh thu hoặc doanh thu thấp chiếm 80% tổng số sàn giao dịch được khảo sát.

Trong số đó có 28% sàn giao dịch bất động sản phải giải thể, phá sản; 32% sàn giao dịch rất cần sự hỗ trợ để duy trì hoạt động và 40% sàn giao dịch tuy còn khả năng chống đỡ nhưng không cao nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài.

Đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, tỷ lệ các sản môi giới bất động sản giải thể, phá sản sẽ không chỉ dừng ở con số 28% mà còn tăng cao hơn nữa nếu trong 1 - 2 tháng tới tình hình dịch bệnh không được kiểm soát.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong số 500 sàn giao dịch bất động sản trên toàn quốc thì tỷ lệ sàn có doanh thu ổn định chỉ là 1%; tỷ lệ sàn giao dịch có doanh thu từ 50 - 80% là 16%; tỷ lệ sàn có doanh thu dưới 50% là khoảng 51% và số sàn môi giới không có doanh thu chiếm khoảng 32%.

Hiện có khoảng 78% sàn môi giới bất động sản phải cho nhân viên nghỉ việc, tạm nghỉ việc không lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động do quỹ lương cạn kiệt, trong khi doanh thu hạn chế, thậm chí là con số 0. Trong tổng số 75.000 nhân viên đang làm việc tại 500 sàn giao dịch bất động sản được khảo sát có đến 26.300 “cò” không có thu nhập, chiếm 35,1%. Số còn lại chỉ được hưởng lương cơ bản hoặc 50% lương cơ bản mà không có lương hiệu năng do không bán được hàng.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguyên nhân chính khiến các sàn giao dịch bất động sản trên toàn quốc gặp khó là do: không được giảm chi phí thuê mặt bằng (khoảng 70%); không được hưởng chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để trả lương và phục hồi sản xuất kinh doanh (khoảng 89%); hết quỹ lương và các nguyên nhân khác.

Nguyên nhân thứ hai là do bị phạt vì không thực hiện đúng cam kết tiến độ với khách hàng, kéo theo rủi ro bồi thường hợp đồng hoặc liên đới trách nhiệm.

Nguyên nhân thứ ba là do không có nguồn thu khiến các sàn giao dịch không thể nộp tiền bảo hiểm xã hội, nộp các khoản thuế và chi phí đến hạn khác, dẫn đến việc bị phạt nộp chậm. Ngoài ra, việc không có nguồn thu còn dẫn đến các rủi ro như: bị cắt điện, cắt nước hoặc chủ cho thuê đòi lại mặt bằng… do chậm thanh toán.

Trước thực trạng hàng loạt sàn giao dịch bất động sản trên toàn quốc phải giải thể, phá sản hoặc hoạt động “thoi thóp”, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam kiến bị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành trình Chính phủ bổ sung nhóm ngành môi giới bất động sản vào nhóm được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Nhà nước như: miễn giảm thuế, giãn thời hạn  nộp thuế và các khoản bảo hiểm xã hội.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng đề nghị các chủ dự án hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các sàn giao dịch bất động sản, không nợ phí môi giới của các sản giao dịch, không phạt hợp đồng nếu các sàn giao dịch không thực hiện đúng cam kết do phải thực hiện giãn cách xã hội.