Thị trường xây dựng tại Đà Nẵng đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng khi giá cát xây dựng tăng vọt, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và chi phí của hàng loạt công trình, đặc biệt là nhà ở dân dụng.

Giá cát "nhảy múa", công trình dân dụng tại Đà Nẵng "đứng hình"

Những ngày gần đây, tại Đà Nẵng, giá cát xây dựng đã lập đỉnh kỷ lục, có nơi cán mốc tới 700.000 đồng/m³, tức là tăng gấp đôi so với thời điểm trước Tết và thậm chí gần gấp ba so với đầu năm nay. Tình trạng này đang đẩy hàng loạt chủ thầu, đặc biệt là những người nhận thi công nhà ở dân dụng, vào thế khó trăm bề.

Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp thành phố Đà Nẵng nhận định, đây là đợt tăng giá mạnh và đột ngột chưa từng có trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân là do nguồn cung bị đứt mạch. Hiện thành phố Đà Nẵng không có mỏ cát nào. Nguồn cát chủ yếu phụ thuộc vào tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, đến nay, đa số các mỏ các đã hết giấy phép, chỉ còn 2 mỏ còn giấy phép, trong đó 1 mỏ đang tạm dừng hoạt động và mỏ còn lại thì sắp hết hạn. 

Theo đại diện một số doanh nghiệp cung cấp bê tông thương phẩm tại Đà Nẵng, họ đang đối mặt với tình trạng vô cùng khó khăn trong việc thu mua cát để sản xuất. Nhiều doanh nghiệp thậm chí phải thông báo tạm ngừng cung ứng, hoặc chỉ bán "nhỏ giọt" với giá đã tăng cao đến 30%. Điều này cho thấy sự chênh lệch cung – cầu đang ở mức báo động, đặc biệt khi nhu cầu xây dựng của người dân tăng đột biến sau Tết.

Không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ của các công trình công cộng mà tình trạng khan hiếm cát đã khiến nhiều công trình xây dựng nhà ở dân dụng tại Đà Nẵng bị đình trệ. Các nhà thầu và chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cát, dẫn đến việc chậm tiến độ và đội chi phí xây dựng. Nhiều công trình phải tạm ngừng thi công hoặc chuyển sang các giai đoạn không cần sử dụng cát để chờ nguồn cung ổn định.

Nhiều gia đình vốn dự toán chi phí xây nhà chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng nay đã phải "đội vốn" thêm đến 400 triệu đồng chỉ vì giá vật liệu tăng vọt, trong đó cát là nguyên nhân chính. Không ít người dân buộc phải tạm dừng thi công, chờ đợi giá cả ổn định trở lại.

Trước tình hình trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp TP Đà Nẵng đã đề nghị UBND TP vào cuộc, tìm cách tháo gỡ để hạ nhiệt giá cát, đảm bảo cho tình hình xây dựng các dự án không bị tác động lớn. Ngày 22/5, Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đã gửi văn bản yêu cầu các đơn vị cung ứng vật liệu, các đơn vị sản xuất bê tông thương phẩm cung cấp thông tin điều chỉnh giá, tạm dừng cung ứng.

Việc thành phố cần sớm xây dựng bản đồ cung – cầu vật liệu, quy hoạch kho bãi dự trữ và thiết lập cơ chế phản ứng nhanh khi khủng hoảng xảy ra là điều cần thiết để tránh những "cơn sóng giá" tương tự trong tương lai.