Đó là thông tin được Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Nguyễn Thành Phong cho biết tại phiên họp Ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ về quy định và hướng dẫn chi tiết công tác tổ chức chính quyền đô thị thành phố.
Hạt nhân phát triển thành phố
Ngoài ông Phong, phiên họp còn có sự góp mặt của: Thứ trưởng Bộ Nội vụ - ông Trần Anh Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND – ông Phạm Đức Hải; Phó Chủ tịch UBND TP – ông Lê Hòa Bình; thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo; đại diện các sở, ngành TP và 19 quận, huyện.
Phát biểu tại phiên họp, ông Phong cho biết, thành phố Thủ Đức có diện tích tự nhiên khoảng 21.151,9 ha, được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo đúng Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với mục tiêu đóng góp 7% tổng sản phẩm nội địa cả nước (GDP), 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn, TP Thủ Đức được xác định là hạt nhân dẫn đầu là động lực phát triển cho TP.HCM nói riêng và toàn vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Về bộ máy chính quyền, theo ông Phong, TP.HCM đang gửi đề xuất đến cơ quan Trung ương để xem xét tăng số lượng Phó chủ tịch UBND thành phố lên 4 người, các cơ quan chuyên môn trực thuộc TP Thủ Đức không quá 13 đơn vị. Trong đó, có 10 đơn vị được lập theo Nghị định số 108/2020/NĐ-CP và 3 đơn vị khác; số lượng bình quân phó phòng cho mỗi đơn vị là 3 người.
Căn cứ vào đó, UBND TP Thủ Đức có thể trình HĐND thành phố thành lập các cơ quan khác để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cần chú ý, do TP Thủ Đức còn được định hướng là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học công nghệ nên nhất thiết phải có phòng khoa học – công nghệ, ông Phong nhấn mạnh.
Tiếp tục hoàn thiện dự thảo
Cũng theo vị lãnh đạo này, sau khi nghiên cứu dự thảo Nghị định mà Bộ Nội vụ xây dựng, thành phố nhận thấy cần bổ sung thêm một chương với nội dung quy định về vấn đề ngân sách, cơ cấu bộ máy… để làm cơ sở nền tảng cho việc thành lập thành phố.
Cụ thể, Khoản 2, Điều 6, Nghị quyết 1111 quy định: Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, quyết định và trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù với TP Thủ Đức để thực hiện từ năm 2021. Đây là cơ sở để thành phố chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo, ông Phong chia sẻ.
Đồng thời, thành phố cũng kiến nghị bổ sung quy định về phân cấp quản lý cho một số lĩnh vực của TP Thủ Đức vào dự thảo Nghị định để tổ chức chính quyền đô thị bảo đảm chủ động, đầy đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, đóng góp chung vào sự phát triển chung của cả nước.
Cách đây không lâu, theo cơ cấu nhân sự mới mà Sở Nội Vụ trình UBND TP.HCM thì TP Thủ Đức có 1 Chủ tịch, 3 Phó chủ tịch, 653 công chức, nhân sự trong các phòng ban; khối nhân sự của cơ quan Đảng có 128 người, gồm: Bí Thư, Phó bí thư, các trưởng ban; khối Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể là 112 người.
Như vậy, sau khi sắp xếp, Thủ Đức vẫn còn hơn 600 cán bộ dôi dư, ông Phong cam kết sẽ có phương án giải quyết theo lộ trình 5 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2022. Đồng thời, thành phố cũng đang chuẩn bị kế hoạch đào tạo để các cán bộ đạt chuẩn quốc tế ở 8 lĩnh vực như: Y tế, tài chính ngân hàng, du lịch, quản lý đô thị…