Đó là thông tin được Bộ Xây dựng công bố tại Hội nghị tổng kết nhiệm kì 5 năm (2016 – 2020) và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp thực hiện cho 5 năm tiếp theo (2021 – 2025) và riêng cho năm 2021.
Kết quả thấp hơn mục tiêu đặt ra
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Ông Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, diện tích bình quân nhà ở cả nước không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, mục tiêu mà Bộ hướng tới trong giai đoạn 2016 – 2020 là 25m2 sàn/người. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, con số này mới dừng lại ở mức 24m2 sàn/người.
Về chương trình phát triển nhà ở xã hội, ông Nghị cho biết, từ năm 2016 đến nay, cả nước đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp tại khu đô thị và cho công nhân tại các khu công nghiệp. Trong đó, 249 dự án hoàn thành, quy mô đạt khoảng 104.200 căn, tổng diện tích tương ứng là hơn 5,2 triệu m2. Còn 219.000 căn hộ của 264 dự án vẫn đang tiếp tục triển khai, quy mô khoảng 11 triệu m2 sàn.
Ông Nghị đánh giá, dù công tác phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số thành công nhất định nhưng kết quả thu về vẫn rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. So với mục tiêu 12,5 triệu m2 nhà ở được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 thì tiến độ mới đạt được 41,7%.
Nhiều vấn đề cần giải quyết trong tương lai
Bộ Xây dựng cho rằng, một trong nhiều bất cập khi phát triển nhà ở là sự “chậm chạp” trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Không dưới hai lần, Bộ đã gửi công văn đôn đốc các địa phương đẩy nhanh việc rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng an toàn chịu lực của các chung cư trên địa bàn mình quản lý. Nếu phát hiện chung cư hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy hiểm thì cần nhanh chóng lập và tổ chức kế hoạch di dời, tháo dỡ.
Thống kê cho thấy, cả nước có đến khoảng 625 trên tổng số 2.500 chung cư cũ, hỏng cần phải sửa chữa hoặc xây dựng mới ngay. Nhưng tỷ lệ sửa chữa trong 10 năm qua chỉ vỏn vẹn có 3%.
Thực tế, dưới góc nhìn vĩ mô, có nhiều hơn một rào cản trong phát triển nhà ở. Cụ thể, cơ chế phát triển nhà ở nói chung, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội nói riêng thiếu tính đồng bộ. Đặc biệt, tồn tại một số điều khoản chồng chéo, chưa phù hợp với tình hình thực tế và chưa tạo được môi trường thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, đơn vị đứng đầu lĩnh vực xây dựng quyết tâm nâng diện tích sàn bình quân cho mỗi người lên 26 – 27m2. Trong đó, khu vực đô thị đạt khoảng 26m2/người, khu vực nông thôn là 25m2/người. Đáng chú ý, tỉ lệ người dân sống trong nhà ở đơn sơ chỉ còn 1%.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Trong đó, Bộ sẽ phát triển nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng, cải thiện môi trường sống, phát triển đồng bộ hạ tầng; tập trung giải quyết những nhu cầu cơ bản về chỗ ở cho người dân, nhất là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, công chức, viên chức, công nhân khu công nghiệp…
Đồng thời, Bộ sẽ nghiên cứu, xây dựng các chương trình hỗ trợ nhà ở đối với các hộ gia đình nông thôn có gia cảnh khó khăn đạt chuẩn nghèo trong giai đoạn mới; chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nơi ở phòng tránh bão, lũ, thiên tai cùng các chương trình hỗ trợ khác.