Đất đai Việt Nam được chia làm nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Mỗi mục đích lại có những quy định và điều khoản sử dụng riêng. Là một người sử dụng đất, bạn phải nắm rõ vấn đề này để đảm bảo quyền và lợi ích của mình. Trong đó, đất CLN đang được khá nhiều người quan tâm và tìm hiểu. Vậy đất CLN là gì? Có được phép xây dựng nhà trên đất CLN không. Hãy cùng xem câu trả lời trong bài viết sau.
1. Đất CLN là đất gì?
Đất CLN là đất trồng cây lâu năm, thuộc nhóm đất nông nghiệp trong hệ thống đất đai nước ta. Đúng như tên gọi và ý nghĩa của nó, loại đất này chuyên được sử dụng để các loại cây có thời gian sinh trưởng lớn hơn 1 năm kể từ khi trồng cho đến thời điểm thu hoạch.
Đồng thời, nó cũng bao gồm những loại cây sinh trưởng, phát triển và cho thu hoạch nhiều lần trong một khoảng thời gian dài. Chẳng hạn như: Cam, quýt, nho, điều, cao su… Thậm chí, những mảnh đất trồng xen kẽ giữa cây lâu năm và cây hàng năm cũng được xem là đất CLN.
2. Đất CLN có vai trò và đặc điểm gì?
Nội dung tiếp theo đây sẽ giúp các bạn tìm hiểu vai trò và đặc điểm của đất CLN đối với cuộc sống.
2.1. Vai trò
Đất CLN được giao cho cá nhân, hộ gia đình cá nhân hoặc các tổ chức để sử dụng cho việc trồng cây lâu năm. Điều đó cũng có nghĩa, đất CLN không chỉ đem lại những lợi ích về mặt kinh tế, phục vụ đời sống con người mà còn có những ảnh hưởng tích cực đến môi trường tự nhiên.
Căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch của từng địa phương mà đất CLN sẽ có những quy định và sự khác nhau trong thời hạn sử dụng đất. Ngoài ra, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng miền mà loại cây trồng sử dụng cũng không giống nhau. Trong đó, 4 nhóm cây trồng lâu năm sẽ có những vai trò sau:
;Đất trồng cây công nghiệp lâu năm: Cung cấp những thành phẩm làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp hoặc những sản phẩm phải qua chế biến mới sử dụng được như ca cao, cao su, chè, hồ tiêu, dừa…
Đất trồng cây ăn quả lâu năm: Cung cấp những sản phẩm là quả để ăn tươi hoặc kết hợp chế biến như bưởi, chôm chôm, mơ, sầu riêng, nhãn, vải, xoài…
Đất trồng cây dược liệu lâu năm: Đem đến những dược liệu quý làm thuốc hoặc chế biến thuốc như đỗ trọng, sâm, quế, long não, hồi…
Đất trồng cây lâu năm khác: Có vai trò lấy gỗ, tạo bóng mát, tạo cảnh quan sinh thái như bạch đàn, xưa, xà cừ, bụt, mọc…
2.2. Đặc điểm
Việc nằm ở một nhóm đất riêng thì đương nhiên đất CLN sẽ có những đặc điểm khác với những loại còn lại. Cụ thể, những đặc điểm đó là:
- Là một loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp
- Được nhà nước cho thuê, giao cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện
- Đất CLN có thời hạn sử dụng
- Được Nhà nước cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng
- Có nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường. Đặc biệt, nó có đóng góp quan trọng trong ngành nông – lâm nghiệp và tạo cảnh quan.
3. Sự khác nhau giữa đất CLN và đất HNK
Để thuận tiện cho công tác quản lý cũng như lập bản đồ quy hoạch, mỗi một loại đất sẽ được ký hiệu bởi 3 chữ cái. Nếu như không phải là người có chuyên môn, khi nhìn vào những ký hiệu này sẽ khó lòng mà hiểu hết ý nghĩa của nó. Trong đó, 2 ký hiệu thường bị nhầm lẫn là CLN và HNK vì chúng đều thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Sự khác nhau cơ bản và dễ nhận biết nhất giữa đất CLN và đất HNK chính là loại cây trồng trên đó. Như đã nói ở trên, đất CLN chỉ trồng cây lâu năm. Còn HNK là đất để trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn, theo mùa (dưới 1 năm). Đó là cây hoa màu, lúa, các loại cây thuốc, đay, mía, dâu. Đất HNK không được dùng để chăn nuôi.
4. Có được xây nhà trên đất CLN không?
Hiện nay, dân số ngày càng tăng, nhu cầu về đất thổ cư cũng ngày một lớn. Do đó, không ít người muốn xây dựng nhà ở trên mảnh đất nông nghiệp của mình. Liệu việc này có vi phạm pháp luật không?
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, không được phép xây dựng nhà ở cũng như công trình dân dụng trên đất CLN. Tuy nhiên, Nhà nước không cấm việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất CLN sang các mục đích khác. Chính vì vậy, nếu muốn xây dựng nhà thì người sử dụng bắt buộc phải làm hồ sơ xin phép cơ quan có thẩm quyền.
5. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất CLN
Thực tế thì xin phép là một chuyện, còn có được cấp phép hay không thì là một vấn đề khác. Bởi lẽ cơ quan địa phương còn phải căn cứ vào nhiều điều kiện khác nhau. Đó là
- Phù hợp theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phân bổ.
- Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã phê duyệt.
- Đảm bảo điều kiện về diện tích tối thiểu để được cấp sổ đỏ theo từng thời kỳ tại nơi có đất.
- Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất phải đầy đủ theo quy định của Luật Đất đai.
6. Trình tự, thủ tục xin chuyển từ đất CLN sang đất ở
6.1. Chuẩn bị hồ sơ
Người sử dụng đất có nhu cầu chuyển đổi đất CLN sang đất ở hoặc sang đất phi nông nghiệp khác ngoài đất ở cần chuẩn bị hồ sơ có các loại giấy tờ sau:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu 09/ĐK được ban hành theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ hoặc sổ hồng).
- Bản sao có công chứng của CMND / CCCD của chủ sử dụng thửa đất và sổ đỏ / sổ hồng.
6.2. Nộp hồ sơ
Tại các địa phương đã thành lập bộ phận một cửa thì chủ sử dụng đất nộp hồ sơ và nhận kết quả thực hiện thủ tục tại đây. Trường hợp địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì Phòng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm nhận và trả kết quả. Đơn vị tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của giấy tờ.
Sau đó, các phòng ban chuyên môn sẽ căn cứ vào điều kiện để ra quyết định có cho chuyển mục đích hay không. Nếu đồng ý thì tiến hành cập nhật, chỉnh lý biến động vào cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính cấp huyện. Đồng thời, xác nhận biến động vào sổ đỏ hoặc cấp mới sổ đỏ nếu người sử dụng đất yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ phải trả lại sổ đỏ cho chủ sử dụng.
Đó là toàn bộ chia sẻ của bất động sản ODT về đất CLN. Hy vọng quý độc giả đã tìm được cho mình thông tin cần thiết. Hẹn gặp lại mọi người trong những bài viết tiếp theo.