Việc ghi tên cá nhân/ tổ chức trên sổ đỏ là để đảm bảo quyền sử dụng và định đoạt tài sản của chủ thể. Nếu hai vợ chồng cùng góp tiền mua chung một mảnh đất thì có mấy cách ghi tên trên sổ đỏ? Với mỗi cách ghi thì quyền lợi của mỗi bên sẽ ra sao?

co-nhung-cach-nao-ghi-ten-tren-so-do-khi-vo-chong-mua-chung-mot-manh-dat

Vợ chồng đứng tên chung trên sổ đỏ

Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản sau khi kết hôn, bao gồm quyền sử dụng đất mà hai vợ chồng có được là tài sản chung của hai vợ chồng.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi của cả hai và tránh những tranh chấp về phân chia tài sản xảy ra sau khi ly hôn, rất nhiều vợ chồng lựa chọn ghi tên cả hai trên sổ đỏ. Điều 98 Luật Đất đai 2013 cũng quy định quyền sử dụng nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ), trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp, sổ đỏ chỉ đứng tên một người mà hai vợ chồng muốn bổ sung tên người kia vào trong sổ đỏ thì có thể thực hiện thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, xin cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở.

Chỉ vợ hoặc chồng (1 người) đứng tên trên sổ đỏ

Đây là trường hợp khi hai vợ chồng có thoả thuận khác, không đứng tên chung trên sổ đỏ. Hoặc do khi giao dịch mua bán, chỉ vợ hoặc chồng đứng ra làm thủ tục nên trên sổ đỏ chỉ ghi tên một người.

Mặc dù trên sổ đỏ chỉ ghi tên một người, nhưng về nguyên tắc, nhà đất mua trong thời kỳ hôn nhân vẫn là tài sản chung của cả hai vợ chồng, thuộc quyền sở hữu và định đoạt của cả hai. Khi giao dịch hay có bất cứ quyết định nào liên quan đến phần tài sản này cần phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.

Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, trường hợp số tiền mua nhà do chỉ vợ hoặc chồng chi trả và sổ đỏ đứng tên một người thì nhà đất đó thuộc về tài sản riêng của vợ hoặc chồng (người mua nhà và đứng tên sổ đỏ). Ngoài ra, nếu vợ hoặc chồng được cho, tặng, thừa kế riêng nhà đất trong thời kỳ hôn nhân, có bằng chứng hợp pháp và trước đó không có thỏa thuận quy vào tài sản chung thì nhà đất đó sẽ được coi là tài sản riêng của vợ/chồng.

Vợ, chồng và người khác cùng đứng tên trên sổ đỏ

Nếu vợ chồng và người khác nữa cùng góp tiền mua nhà đất thì trên sổ đỏ ghi tên tất cả những người đồng sở hữu này. Theo Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện".

Những người đồng sở hữu nhà đất có quyền sở hữu và định đoạt ngang nhau. Nếu một trong số những người đồng sở hữu có bất cứ một giao dịch gì liên quan đến tài sản chung này thì phải có sự đồng ý và chấp thuận của những người đồng sở hữu còn lại. Trong trường hợp này, nếu chỉ cho một người đứng tên trên sổ đỏ thì có rất nhiều rủi ro về tranh chấp sau này. Do đó, khi vợ chồng cùng góp tiền với người khác mua chung đất thì cần phải có biên bản thoả thuận rõ ràng về phần góp vốn của mỗi bên, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên. Văn bản này cần được công chứng để đảm bảo về mặt pháp lý.

(Tổng hợp bởi odt.vn)