Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của khu vực miền Nam cũng như của cả đất nước, chính vì vậy đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới. Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, nhiều mặt bằng bán lẻ có vị trí đắc địa đang để trống nhưng đây được coi là cơ hội vàng cho các thương hiệu nhảy vào.
Mặt bằng bán lẻ gặp khó trong ngắn hạn
Trước khi đợt dịch này xảy ra đã có nhiều dự báo cho rằng trong năm 2021, mặt bằng kinh doanh bán lẻ sẽ hồi phục ngoạn mục, nhiều đơn vị đã ước tính có tới 170 nghìn mét vuông diện tích sàn thương mại được đưa vào vận hành. Mặc dù vậy, dịch bệnh phức tạp hơn dự kiến đã khiến cho các kế hoạch phải điều chỉnh và không có nhiều dự án thực sự có khả năng đi vào hoạt động trong giai đoạn cuối năm 2021. Bất chấp tiến độ xây dựng của một số dự án trung tâm thương mại đã được hoàn thiện cơ bản, nhưng chủ đầu tư đa phần đều di dời lại kế hoạch khai trương và vận hành. Hiện nay, phần lớn nguồn cung mới của sàn thương mại đến từ khu vực ngoại thành, cách xa trung tâm, trong đó chủ yếu đến từ các khối đế của dự án chung cư hoặc dự án cao ốc - văn phòng.
Trái ngược với tâm lý lạc quan hồi đầu năm, hiện nay các chủ kinh doanh đa phần có tâm lý thận trọng trong việc mở rộng hoặc thuê mới. Chính vì vậy, các đơn vị nghiên cứu thị trường cho rằng từ nay cho tới hết năm 2021, thị trường bán lẻ vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là việc chào thuê mới. Tình hình có thể khả quan hơn nếu như dịch bệnh sớm được kiểm soát trong thời gian đầu quý 3, khi đó quý 4 sẽ có đà để phục hồi mạnh mẽ cho nhu cầu mua sắm dịp cuối năm.
Các chuyên gia đánh giá kể cả khi dịch bệnh sớm được kiểm soát, các đơn vị bán lẻ vẫn cần thời gian để hồi phục lại chuỗi cung ứng cũng như lấy lại được phần nào doanh số theo kế hoạch. Thời gian một năm sau khi đại dịch kết thúc sẽ là khoảng thời gian để các đơn vị này lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và để đạt tới trạng thái cân bằng thì đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.
Trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc cải thiện chất lượng phục vụ thì việc các đơn vị bán lẻ phải chuyển đổi sang hình thức bán hàng trực tuyến nhiều hơn. Đây là điều kiện sống còn đối với các doanh nghiệp bán lẻ và họ buộc phải thích nghi với điều kiện kinh doanh đặc biệt này. Ngoài việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, các đơn vị bán lẻ phải truyền thông online, đẩy mạnh giá trị thương hiệu, bởi đây sẽ là nền tảng để họ phát huy hết nội lực sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh đó, các giải pháp khác cũng cần được chú trọng như quản lý dòng tiền một cách bền vững hơn, lựa chọn địa điểm tốt hơn và phải có chiến lược phát triển bài bản hơn.
Về giá cho thuê mặt bằng, đa phần đều giảm so với trước dịch. Tại thời kỳ thị trường hoạt động sôi nổi, mỗi hợp đồng thuê mặt bằng sau đều có giá thuê mới tăng từ 8 – 10%/năm, cho thấy mức độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ. Tuy nhiên trong giai đoạn này, đa phần các hợp đồng thuê đều được giữ nguyên mức giá, thậm chí có nơi giảm.
Thực tế trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều mặt bằng trống có vị trí đắc địa, điều hiếm khi xảy ra trước đây. Để có thể thuê các mặt bằng này trước kia là điều không hề dễ dàng bởi nhu cầu rất lớn, giá thuê cũng khá cao. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định thời điểm này một số nhãn hiệu nổi tiếng đã bắt đầu vào cuộc để nhanh tay “đặt chỗ” các vị trí này. Ngoài ra, chính sách ưu đãi từ các đơn vị điều hành trung tâm thương mại cũng khá hấp dẫn để thu hút đầu tư trong giai đoạn sau dịch. Một số tín hiệu đang cho thấy ngay từ lúc này nhiều doanh nghiệp đã lên sẵn kế hoạch kinh doanh dài hạn, đặc biệt là sẽ mở rộng các chuỗi bán lẻ, kinh doanh thương mại bắt đầu từ năm 2022 trở đi. Chính vì vậy, trong trung và dài hạn, mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển.