Theo thống kê, trên toàn thành phố Hà Nội có khoảng 1.500 chung cư cũ, trong đó có 343 chung cư thuộc diện xuống cấp, cần được xây mới và cải tạo. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cải tạo, xây mới chỉ đạt khoảng 1%. Nguyên nhân của thực trạng này do đâu?

Cải tạo, xây mới chung cư cũ tại Hà Nội mới chỉ đạt 1%

Thực trạng chung cư cũ tại Hà Nội

Trong số 1.500 chung cư cũ đang tồn tại trên địa bàn TP.Hà Nội thì có đến 137 chung cư thuộc cấp B; 200 chung cư xuống cấp, hư hỏng ở cấp C và 6 chung cư thuộc diện nguy hiểm cấp D, bao gồm: Khu tập thể C1 Thành Công; đơn nguyên 1, 2 G6A Thành Công (phường Thành Công); đơn nguyên 1 chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa); đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh); đơn nguyên 3 C8 Giảng Võ (phường Giảng Võ); đơn nguyên 1-3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị).

Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn hộ dân đang phải sống trong điều kiện hạ tầng, phòng cháy chữa cháy không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống cũng như tính mạng của người dân.

Mặc dù các cấp lãnh đạo của TP.HN đã đưa ra nhiều biện pháp cũng như mục tiêu kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ triển khai việc xây mới, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn nhưng trên thực tế việc số chung cư được cải tạo, xây mới chỉ đạt khoảng 1% do còn tồn tại rất nhiều khó khăn và vướng mắc.

Đâu là vướng mắc?

Đối với việc cải tạo chung cư cũ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nôi, Tổ phó Tổ chuyên gia nghiên cứu về cải tạo xây dựng mới chung cư trên địa bàn TP.Hà Nội – ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, vướng mắc lớn nhất là về vấn đề dân số và vướng mắc lớn thứ 2 đến từ vấn đề đền bù.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam – ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng đồng quan điểm như trên. Ông cho rằng cần phải làm rõ hệ số đền bù là bao nhiêu để thỏa thuận với cư dân, đặc biệt là cư dân tầng 1. Đồng thời ông Hiệp bổ sung thêm là việc đầu tư phải đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch phát triển hạ tầng, không gây quá tải, không gây ách tắc.

"Nếu tăng chiều cao thì sẽ ách tắc. Nếu không cho tăng thì phải bù cho chủ đầu tư đất ở chỗ khác. Chính quyền cần phải vào cuộc với doanh nghiệp" – ông Hiệp chia sẻ.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) –ông Nguyễn Mạnh Khởi bổ sung thêm, vướng mắc tiếp theo đến từ việc bố trí tạm cư. Liên quan đến vấn đề này là niềm tin của người dân vào kinh và nghiệm năng lực tài chính của nhà đầu tư. Vì vậy, các bộ, ngành, doanh nghiệp, các nhà khoa học và người dân cần vào cuộc và chung tay trong việc cải tạo chung cư cũ.

(Nguồn Tổng hợp)