Năm 2025 được dự báo là năm bùng nổ của các dự án nhà ở xã hội với nhiều dự án được triển khai trên cả nước. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng của nhiều người, giá bán NƠXH vẫn leo thang, gây lo ngại cho người mua nhà.
Cụ thể, theo danh mục 72 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong Kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2025 mà UBND TP. Hà Nội ban hành vào giữa tháng 1/2025, có tới 8 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn 255.722m2 với 1.583 căn hộ. Trong đó có 2 dự án ở quận Long Biên, 5 dự án ở huyện Thường Tín, và 1 dự án ở quận Hoàng Mai.
Ngoài ra, còn có 7 dự án nhà ở xã hội với 1.140 căn hộ được điều chỉnh thông tin với tổng diện tích 75.366m2 sàn. Bên cạnh đó, 14 dự án nhà ở xã hội được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2025 tại huyện Thanh Trì, huyện Đông Anh và quận Long Biên.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc, trong đó có cả chủ đầu tư các dự án cao cấp đã gia nhập vào đường đua xây dựng nhà ở xã hội ở Hà Nôi và nhiều địa phương trên cả nước.
Quy định tại bộ 3 Luật Đất đai 2024, Nhà ở 2023, Kinh doanh bất động sản 2023 được kỳ vọng sẽ giải quyết những vướng mắc lâu nay của các dự án địa ốc, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Nguồn cung NƠXH tăng được mong đợi sẽ góp phần giảm giá nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trái ngược với sự mong đợi của mọi người, giá nhà ở xã hội lại có xu hướng leo thang, gây ra sự lo ngại cho người mua nhà.
Đơn cử, dự án Nhà ở xã hội tại ô đất NO1, thuộc khu đô thị mới Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì được khởi công cuối năm ngoái có giá tạm tính là 25 triệu đồng/m2. Như vậy, để mua căn hộ 70m2, người dân sẽ phải trả số tiền khoảng 1,75 tỷ đồng.
Nếu được duyệt, thì đây sẽ là mức giá nhà ở xã hội cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Trước đó, tháng 3/2023, dự án nhà xã hội NHS Trung Văn ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm mở bán với giá hơn 19,5 triệu đồng một m2 (gồm VAT).
Theo các chuyên gia bất động sản, giá nhà ở xã hội tăng một phần là do chi phí tăng lên của đầu tư xây dựng bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Nếu mức giá nhà ở xã hội chạm mức 20-25 triệu đồng/m2 thì điều này vượt mức chi tiêu của người lao động.
Do đó, để giảm bớt nỗi lo về nhà ở xã hội, Chính phủ và các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc việc tăng cường chính sách hỗ trợ hấp dẫn cho các chủ đầu tư nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, bổ sung thêm các gói tín dụng ưu đãi, cho vay lãi suất thấp hỗ trợ người dân.