Theo số liệu thống kê, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 23,6m2 sàn/người; trong đó, diện tích bình quân nhà ở tại nông thôn là 22,5m2 sàn/người, và ở tại đô thị là 24,5m2 sàn/người.
Kết quả 6 tháng đầu năm
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định từ đầu năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam. Hàng loạt những áp lực mà thị trường xây dựng phải hứng chịu như: nhu cầu sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm mạnh; thị trường bất động sản suy giảm ở mọi phân khúc; các hợp đồng thi công xây lắp phải tạm dừng; các dự án chung cư; dự án khu đô thị đình trệ...
Trong bối cảnh đó, Bộ Xây dựng cũng các ban ngành trực thuộc đã nỗ lực hết mình và đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, tại hội nghị giao ban đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai các quý cuối năm 2020 diễn ra vào ngày 26/6 vừa qua, Bộ Xây dựng đã công bố báo cáo về một số lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình.
Theo đó, tỷ lệ đô thị hóa trên toàn quốc là 39,3% (tăng 0,5% so với cùng kỳ 2019); tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị là 86,5% - tăng 0,5%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước là 89% - tăng 2%. Đáng chú ý nhất là diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 23,6m2 sàn/người; trong đó, diện tích bình quân nhà ở tại nông thôn là 22,5m2 sàn/người và ở tại đô thị là 24,5m2 sàn/người.
Nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm
Một là, dựa trên tình hình thực tế để đưa ra kịp thời những đề xuất và giải pháp. Qua đó tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy vốn đầu tư công theo yêu cầu của Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hai là, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện các văn bản đó. Cụ thể, hoàn thiện và lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc; sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý phát triển đô thị; hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở...
Ba là, chấn chỉnh công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt theo và tuân thủ theo chỉ thị 05/CT-TTg. Bên cạnh đó triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định 950/QĐ-TTg năm 2018. Đồng thời nhanh chóng thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Bốn là, nghiên cứu và xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Dự kiến Nghị định này sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào quý IV/2020.
Năm là, rà soát, lên phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước thuộc quyền của Bộ; kiện toàn quy chế thực hiện, kiểm soát để đáp ứng tốt nhiệm vụ thẩm định thiết kế, phê duyệt dự án và thông qua điều kiện năng lực của cá nhân, tổ chức...
Cuối cùng, bên cạnh việc tập trung xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị khẩn trương tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do Bộ làm đại diện, ông Hà nhấn mạnh.
(Tổng hợp bởi odt.vn)