Tạm dừng quy hoạch Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong; Đẩy giá lên quá cao khiến giao dịch tại khu Đông ảm đạm; Cần Giờ sẽ được khởi công vào năm 2022… là những tin tức đáng chú ý nhất về thị trường bất động sản trong tuần qua (từ 22/6 – 27/6/2020).
Thủ tướng quyết định tạm dừng quy hoạch Bắc Vân Phong
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng việc triển khai lập quy hoạch tổng thể về việc thành lập Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. Sau khi xem xét các ý kiến đóng góp và đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng đồng ý đợi đến khi Quốc hội thông qua luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt mới tiếp tục triển khai quy hoạch tại Bắc Vân Phong.
Đẩy giá lên quá cao khiến giao dịch tại khu Đông ảm đạm
Mặc dù đã qua thời điểm giãn cách xã hội tới 2 tháng và xã hội cũng đã trở lại nhịp sinh hoạt bình thường, tuy nhiên tình hình giao dịch bất động sản tại khu Đông, TP.HCM vẫn vô cùng ảm đạm. Theo các con số thống kê, lượng giao dịch đất nền, đất thổ cư vốn là thế mạnh của khu vực này thì nay vắng bóng các giao dịch, bất chấp lượng tin rao vẫn rất nhiều. Đi thực tế các tuyến đường trước đây từng xảy ra “sốt đất” như Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh… thì nay không còn thấy bóng dáng các sàn giao dịch lưu động như trước, thay vào đó là quang cảnh đìu hiu “cửa đóng then cài”.
Nguyên nhân được nhiều nhà đầu tư lâu năm cho biết là do qua các cơn sốt trước, hiện mặt bằng giá khu này đã bị đẩy lên quá cao, vượt quá mức chi trả của nhiều người do đó sức hấp dẫn đã giảm đi đáng kể.
Cần Giờ sẽ được khởi công vào năm 2022
Lãnh đạo Sở giao thông Vận tải TP.HCM cho biết năm 2022 sẽ triển khai xây dựng cầu Cần Giờ kết nối với trung tâm thành phố, dự kiến đến năm 2025 sẽ đi vào hoạt động. Tổng mức đầu tư của công trình là hơn 5.300 tỷ đồng.
Sau khi đi vào hoạt động cầu Cần Giờ sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, qua đó giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa huyện Cần Giờ với khu vực trung tâm TP.HCM và vùng phụ cận.
Không đủ tiền đóng theo tiến độ dự án, nhà đầu tư phải bán “cắt lỗ”
Theo các sàn giao dịch bất động sản cho biết, gần đây đã bắt đầu có hiện tượng nhà đầu tư phải chấp nhận bán lúa non do khó khăn trong việc đóng tiền theo tiến độ dự án. Thực tế cho thấy sau đại dịch nhiều người đang gặp tình trạng kinh doanh, buôn bán khó khăn, nhiều người mất việc hoặc bị giảm lương, do đó một số người đành chấp nhận bán lỗ những tài sản hình thành trong tương lai đang gần đến hạn nộp tiền theo tiến độ.
Lý giải cho việc này, một người đang rao bán cho biết mặc dù vẫn có khả năng đóng tiếp tiến độ, nhưng để duy trì công việc kinh doanh đang trong giai đoạn khó khăn do đó anh chấp nhận bán sớm hơn so với dự định trước đây.
Bất động sản công nghiệp đang là phân khúc sáng nhất thị trường
Trong cuộc tọa đàm về tình hình thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn tới, các chuyên gia đều đồng quan điểm cho rằng hiện tại thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh, tuy nhiên đó là điều cần thiết sau mỗi giai đoạn “sốt nóng”. Mặc dù vậy, vẫn có những phân khúc được đánh giá rất cao như bất động sản khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá: Việt Nam với nguồn lao động trẻ, dồi dào và đặc biệt chi phí nhân công vẫn còn thấp so với các nước khác, đi cùng với các chính sách ưu đãi của Chính phủ, hàng loạt hiệp định thương mại lớn được ký kết, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng dưới tác động của chiến tranh thương mại và dịch bệnh, do đó sắp tới thị trường bất động sản tại các tỉnh có thế mạnh về công nghiệp sẽ là điểm sáng của thị trường, là phân khúc có đà phát triển mạnh trong nhiều năm tới.
(Tổng hợp bởi odt.vn)