Bấp chấp quy định môi giới bất động sản (BĐS) phải có chứng chỉ môi giới do Sở Xây dựng cấp nhưng cả nước mới có khoảng 30.000 trên tổng số 300.000 người đạt yêu cầu này.

90% môi giới bất động sản hoạt động không phép?

Quy định thiếu chặt chẽ

Kể từ ngày 01/01/2007, tức là khi Luật Kinh doanh Bất động sản 2006 có hiệu lực thì môi giới bất động sản đã chính thức trở thành loại hình dịch vụ được Nhà nước công nhận. Tuy là yếu tố chính tạo tính thanh khoản cho thị trường nhưng hoạt động này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần giải quyết. Số liệu thống kê tính đến hết năm 2019 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã chỉ ra có khoảng 300.000 người tham gia lĩnh vực môi giới BĐS trên cả nước nhưng có đến 270.000 người không có chứng chỉ hành nghề (tương đương 90%).

Một cuộc khảo sát khác của Bộ Xây dựng cho thấy: Chỉ có khoảng 20% số nhân viên được khảo sát trả lời là có tham gia khóa học đào tạo về môi giới BĐS. Một số người xem nhẹ các quy định và tự tin vẫn bán được hàng dù không có chứng chỉ hành nghề. Một số khác lại không có đạo đức nghề nghiệp khi rao bán các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn hay truyền tải thông tin sai lệch về giá cả, vị trí, tính pháp lý, quy hoạch….

Giải thích cho thực trạng nói trên, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, đã có quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản tại Thông tư 11/2015/TT-BXD song vẫn chưa đầy đủ và chi tiết. Cụ thể, Sở Xây dựng các địa phương là đơn vị có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản nhưng nhiều nơi không tổ chức thi. Trong thông tư cũng không bắt buộc người trong ngành nghề này phải tham gia khóa học. Do vậy, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở để mua bán, làm giả chứng chỉ hành nghề.

Chế tài phải đủ tính răn đe

Khoản 1, Điều 58, Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính liên quan đến kinh doanh bất động sản quy định “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Tẩy xóa, sửa chữa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản; Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định.”.

Theo TS. Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị cho rằng mức phạt như hiện tại vẫn chưa đủ sức răng đe, cần xây dựng chế tài mạnh hơn. Đặc biệt là đối tượng có hành vi môi giới mà chưa có giấy phép. Đồng thời, các cơ quan lập pháp cần nhanh chóng hoàn hiện thể chế, quy định pháp luật cho hoạt động môi giới bất động sản. Cụ thể, sử dụng hình thức mã số định danh hay mã số hành nghề cho mỗi người sau khi thi đạt chứng chỉ. Hiện đại hơn có thể áp dụng công nghệ 4.0 giống với quản lý người dân.

Đối với trường hợp mua bán, làm giả chứng chỉ môi giới, vĩnh viễn không được hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Trường hợp lợi dụng chứng chỉ hành nghề để tiếp tay lừa đảo khi phát hiện phải xử phạt thật nặng. Nếu cần thiết tước bỏ vô thời hạn chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, cả hai đối tượng trên đều phải công khai thông tin để khách hàng, chủ đầu tư nắm bắt và né tránh.

(Tổng hợp bởi odt.vn)