Hiện nay, rất nhiều người chọn mua nhà đất qua giấy ủy quyền do thủ tục mua bán nhanh gọn, trốn được thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, hình thức mua bán này tồn tại nhiều rủi ro, thậm chí là nguy cơ mất trắng cho người mua.

co-nen-mua-nha-dat-qua-giay-uy-quyen-khong

Rất nhiều những gia đình rơi vào tình cảnh mất trắng khi mua nhà đất qua giấy ủy quyền. Cụ thể là trường hợp của anh Đức Huy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Sau khi tìm hiểu kỹ càng, anh Huy muốn mua mảnh đất với diện tích 44m2 giá 1,45 tỷ đồng, ở Kim Chung. Tuy nhiên, khi làm giao dịch mua bán, anh Huy không gặp được chủ nhà mà chỉ được gặp ông Minh, người được chủ nhà ủy quyền giao cho toàn quyền quyết định mảnh đất đó. Vì mảnh đất đã được ủy quyền, nên anh Huy khá yên tâm và quyết định giao số tiền là 1,4 tỷ cho ông Minh. Tuy nhiên sau đó, anh Huy mới biết chủ đất vừa mới qua đời, mảnh đất mà anh định mua lại vướng vào tranh chấp giữa các con của chủ đất về quyền thừa kế. Trong khi đó, ông Minh lại không đồng ý trả cho anh Huy số tiền anh Huy đã đưa cho ông Minh để mua mảnh đất. Kết quả, anh Huy rơi vào tình cảnh, tiền đã trả nhưng lại không được giao đất.

Gặp rủi ro khi mua bán đất đai qua ủy quyền không chỉ có anh Huy mà còn là trường hợp của vợ chồng chị Thanh mua một căn hộ 71,5m2 tại quận Long Biên với giá 1,5 tỷ đồng. Do căn hộ này đang trong quá trình chờ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nên chỉ có thể công chứng ủy quyền. Rắc rối phát sinh khi chị Thanh muốn bán lại căn hộ mà không thể làm được do theo theo quy định tại Điều 562 – Điều 569 Bộ Luật Dân sự, việc ủy quyền lại cho bên thứ 3 phải có sự đồng ý của bên ủy quyền. Lúc này, chị Thanh muốn tìm chủ cũ của căn nhà để hỗ trợ lại không thể liên lạc được cho chủ cũ đã ra nước ngoài sinh sống.

Rủi ro khi mua bán nhà đất qua ủy quyền

Mua bán nhà đất qua ủy quyền tồn tại nhiều rủi ro, như:

  • Hợp đồng ủy quyền sẽ bị vô hiệu trong các trường hợp: Người được đại diện hoặc người đại diện hợp đồng đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền; người được đại diện, người đại diện là cá nhân qua đời (khoản 3, Điều 140, Bộ luật Dân sự 2015) và khi đó người thân của người được ủy quyền sẽ gặp rắc rối trong việc làm thủ tục thừa kế tài sản đã mua…
  • Nội dung hợp đồng không đảm bảo về thời hạn, về phạm vi ủy quyền, sau khi ký hợp đồng ủy quyền và giao hết tiền cho bên bán, tới lúc bán lại thì không thể làm thủ tục chuyển quyền do hết thời hạn ủy quyền hoặc vượt qua phạm vi ủy quyền…
  • Người bán có thể đổi ý và yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu vì bản chất của hợp đồng ủy quyền là để che giấu việc chuyển quyền sử dụng đất.
  • Quyền lợi của người mua không được đảm bảo khi hợp đồng ủy quyền bị mất, bị cháy, bị thất lạc. Ngoài ra trong trường hợp người ủy quyền vay nợ tiền người khác, chủ nợ có thể khởi kiện ra tòa án để kê biên tài sản và bán đấu giá thu tiền trả nợ…

Mua bán nhà đất qua ủy quyền tồn tại rất nhiều rủi ro. Do đó, nếu nhất định phải mua nhà đất qua ủy quyền, người mua cần phải chú ý những điều sau để hạn chế rủi ro:

  • Chỉ mua nhà đất có hợp đồng ủy quyền với thời gian trên 20 năm.
  • Không mua nhà đất bằng hợp đồng ủy quyền với người lạ.
  • Hợp đồng ủy quyền có điều khoản được ủy quyền tiếp cho người thứ ba.
  • Xác định thông tin và uy tín của người bán bằng email, điện thoại, văn bản xác thực.

(Tổng hợp bởi odt.vn)