Do điều kiện nguồn vốn và ngân sách hạn chế mà các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn, dù đã rất cố gắng. Do đó, nhiều chuyên gia đưa ý kiến Chính phủ cần kêu gọi xã hội hóa và mở rộng đối tượng vay vốn mua nhà ở xã hội để giảm gánh nặng về nguồn vốn từ ngân sách.

Xã hội hóa đầu tư nhà ở xã hội

Xã hội hóa đầu tư nhà ở xã hội

Theo một số thống kê, số dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc được hoàn thành và đi vào hoạt động trong 2 năm trở lại đây là rất ít. Trong khi đó, số dự án đang triển khai xây dựng là khoảng 264 dự án với tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 108.000 tỷ đồng, quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn hộ. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều bị tạm dừng thi công hoặc bị chậm tiến độ.

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc nguồn cung nhà ở xã hội trên thị trường bị suy giảm. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như: do chậm bố trí hoặc bố trí không đủ nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, việc chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, thủ tục hành chính còn phức tạp, cơ chế chính sách liên quan đến huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển nhà ở xã hội còn thiếu hấp dẫn, chưa đáp ứng tình hình thực tiễn… cũng là một trong số những nguyên nhân khiến cho số lượng nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng thời gian gần đây rất hạn chế.

Trong khi đó, đối tượng thuộc diện được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội lại chiếm số lượng rất lớn.

Theo đó, số tiền gần 19.000 tỷ đồng là số vốn mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất bố trí trong kế hoạch đầutư công trung hạn cho nhu cầu vốn hỗ trợ nhà ở xã hội giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, 10.000 tỷ đồng là vốn cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại và 9.000 tỷ đồng là số vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ được phân bổ khoảng 24% so với nhu cầu vốn trung hạn gian đoạn 2016 – 2020, ước tính khoảng 2.163 / 9.000 tỷ đồng. Số tiền trên đã được ngân hàng thực hiện giải ngân cho 10.303 khách hàng.

Còn đối với các ngân hàng thương mại, đến nay vẫn chưa nhận được vốn cấp bù lãi suất theo quy định. Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020, sự kiến nhóm ngân hàng này sẽ được cấp bổ sung khoảng 2.000 tỷ đồng trong thời gian tới.

Cùng với đó, để giải quyết những bất cập và khó khăn nêu trên, Bộ Xây dựng đang chủ trì nghiên cứu xây dựng xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để góp phần giải quyết nhà ở cho người dân và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP trong đó có các cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa phát triển nhà ở xã hội.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)