Làn sóng dịch Covid-19 thứ hai đã khiến thị trường bất động sản du lịch tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thử thách. Nhận thấy được điều này, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản (BĐS) du lịch ở Việt Nam.
Là việc làm cần thiết
Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam đã cho thấy, tình hình hoạt động khó khăn của phân khúc mua bán bất động sản nhà ở tại TP.HCM. Đối với thị trường căn hộ bán, cả lượng giao dịch và nguồn cung đều ghi nhận những con số thấp kỉ lục trong 5 năm gần đây. Cụ thể, lượng giao dịch 6 tháng đầu năm là hơn 6.800 căn giảm 55%. Nguồn cung sơ cấp chỉ còn 9.100 căn, giảm 52% so với cùng kỳ năm 2019
Trong bối cảnh như vậy ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao tại Savills Việt Nam cho biết, đây là việc làm cần thiết, thể hiện rõ sự nỗ lực của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn chung.
Cụ thể, ông Khương cho hay, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế về mặt địa lý như đường bờ biển dài 2500km, hơn một nửa tỉnh, thành trên cả nước gắn liền với biển. Vì vậy, tiềm năng khai thác du lịch, cho thuê, nghỉ dưỡng rất lớn. Hơn thế nữa, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ, chính sách đầu tư thông thoáng đã khiến nước ta trở thành điểm đến hấp dẫn so với các nước cùng khu vực về việc thu hút vốn đầu tư cho ngành du lịch và BĐS du lịch.
Việc bán BĐS cho người nước ngoài cũng là một hình thức xuất khẩu BĐS tại chỗ vì thực tế tài sản vẫn nằm tại Việt Nam. Không những thế, việc sở hữu BĐS còn tăng thêm dòng tiền ngoại hối đổ về các lĩnh vực kinh tế khác như du lịch, dịch vụ, tài chính khi mà người nước ngoài phát sinh chi tiêu tiêu dùng, ông Khương phân tích.
Ba điểm cần lưu ý
Để đảm bảo việc hiện thực hóa chủ trương khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào BĐS du lịch, ông Khương cho biết có 3 điểm cần lưu ý.
Một là, phát triển du lịch là yếu tố then chốt. Thực tế thì, mọi nhà đầu tư đều quan tâm đến lợi nhuận. Một ngành du lịch phát triển, đảm bảo căn hộ sẽ thu lại lợi nhuận trong thời gian dài chắc chắn sẽ hấp dẫn người đầu tư. Do đó, ngành du lịch đóng vai trò rất quan trọng và Việt Nam chúng ta phải chứng tỏ được lợi thế này.
Hai là, vấn đề thủ tục pháp lý. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng. Qua đó, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ thực hiện các dự án cho BĐS mà còn cho các lĩnh vực khác như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…
Ba là, yếu tố an ninh quốc phòng. Việc phê duyệt các dự án phải đảm bảo phù hợp với các quy định, quy hoạch, không để ảnh hưởng đến an ninh Quốc gia như gần khu vực chính trị hay căn cứ quân sự….
Liên quan đến đề xuất này, trước đó VNREA đã có văn bản kiến nghị Quốc hội sửa đổi Khoản 2, Điều 14, Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng cho phép cá nhân nước ngoài được mua các BĐS không phải là nhà ở. Chính sách sẽ góp phần thu hút nguồn vốn lớn đầu tư vào phân khúc này. Mặt khác, Nhà nước vẫn có thể quản lý thông qua việc ban hành các quy định tương tự nhà ở như điều kiện, thủ tục, thời hạn…
(Tổng hợp bởi odt.vn)